Lý do thị trường vàng trang sức trong nước 'đi giật lùi'

(PLO)- Nhiều quy định pháp luật liên quan đến thị trường vàng trang sức Việt Nam lỗi thời quá lâu, cần sớm sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ngày 17-11, Công ty SJC phối hợp với Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) và Hội đồng vàng Thế giới (WGC) tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Chất lượng vàng trang sức tại Việt Nam”.

Thị trường vàng đã "sạch"

Đánh giá về chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ hiện nay, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cho biết: Từ khi Nghị định số 24/2012 của Chính phủ được ban hành, thị trường vàng trong nước đã đi vào ổn định. Từ hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, kinh doanh mua bán vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng cho đến các hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng đều được lập lại trật tự.

“Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng tại TP.HCM đã tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn ghi nhãn, đóng ký hiệu hàm lượng vàng trên từng sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Điều này, đã tạo ra một bước chuyển tích cực cho thị trường vàng bạc đá quý, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng” - ông Dưng nói.

Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết thêm: “Nghị định 24/2012 tồn tại suốt 12 năm mà chưa một lần sửa đổi, trong khi đó nhiều nghị định liên quan đến thương mại, đầu tư đã được sửa đổi bổ sung và ban hành.

Khi Nghị định 24/2012 được ban hành đóng góp rất lớn trong việc lập lại trật tự ổn định thị trường vàng. Thế nhưng đến nay thị trường không còn xuất hiện những cơn sốt về giá vàng nữa, không còn cảnh người dân xếp hàng dài để chờ mua vàng và quan trọng nhất là thị trường vàng giờ đây cũng không còn ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ”.

Thị trường vàng Việt Nam vì sao khó phát triển?

Đối mặt với đầy rẫy khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được do Nghị định 24, các chuyên gia đầu ngành cũng cho rằng nhiều quy định pháp luật liên quan đến thị trường vàng Việt Nam hiện nay đã lỗi thời và cần phải sửa đổi càng sớm càng tốt.

Với vai trò đại điện cho Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, ông Đinh Nho Bảng cho biết: Hiện nay trong Luật đầu tư vẫn giữ nguyên quy định “Kinh doanh vàng” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là quy định không cần thiết và là rào cản đối với quá trình phát triển thị trường vàng trang sức.

Sở dĩ, nói quy định trên là không phù hợp bởi vì “Kinh doanh vàng” sẽ bao trùm tất cả các hoạt động sản xuất, gia công, sửa chữa, kinh doanh mua bán, xuất nhập khẩu và các dịch vụ liên quan đến vàng miếng, vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng nguyên liệu đều là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Nhiều năm nay, quy định này đã và đang làm cho ngành vàng nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh vàng nói riêng ngày càng gặp nhiều khó khăn do tăng lượng giấy phép, tăng thủ tục hành chính, khiến chi phí doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Trong khi cơ hội kinh doanh lại ngày càng giảm đi vì mình phải mất rất nhiều thời gian xin phép cơ quan quản lý về hoạt động kinh doanh vàng.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp là hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ và mua bán vàng miếng. Việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ là sản xuất kinh doanh hàng hoá tiêu dùng thông thường, phục vụ nhu cầu làm đẹp của người tiêu dùng và cho xuất khẩu.

Chưa kể, đây còn là ngành nghề thu hút rất nhiều lao động, kể cả ở các làng nghề và đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ hoàn toàn không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng.

Do đó, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Bộ ngành liên quan xem xét việc sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và các dịch vụ liên quan đến vàng là sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hoá tiêu dùng thông thường.

Tại mục 226 Phụ lục IV, Luật đầu tư 2020, cần loại bỏ danh mục “Kinh doanh vàng” ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện. Đồng thời thay bằng “Kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”.

“Đây được xem là những “nút thắt” lớn nhất đối với ngành vàng trang sức tại Việt Nam. Nếu những rào cản trên được gỡ bỏ, không chỉ giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng thoát khỏi khó khăn mà còn góp phần phát triển ngành vàng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế như nhiều quốc gia trên thế giới” - ông Bảng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới