Ly hôn ở Bến Tre chiếm hơn 50% án dân sự

Sáng 6-12, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ (2016- 2021) đại biểu Nguyễn Minh Triều bày tỏ băn khoăn trong các năm gần đây, TAND hai cấp trong tỉnh đã thụ lý án hôn nhân và gia đình liên tục tăng, hiện chiếm trên 50% án dân sự.

Đại biểu Nguyễn Minh Triều chất vấn phó chủ tịch tỉnh về thực trạng ly hôn hiện nay.

Ly hôn sau 1 -5 năm chung sống chiếm 60%

Đại biểu Triều nêu những con số đáng báo động về thực trạng án ly hôn năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2014 tòa án thụ lý 3.931 vụ; năm 2015 thụ lý 4.315 vụ; năm 2016 thụ lý 4.531 vụ; năm 2017 thụ lý 4.723 vụ; năm 2018 thụ lý 5.329 vụ….

Từ lo ngại đó, đại biểu Triều chất vấn phó chủ tịch UBND tỉnh đồng thời là chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, rằng nguyên nhân và giải pháp như thế nào để kéo giảm, hạn chế số lượng án này phát sinh trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết thực trạng án hôn nhân và gia đình của tỉnh liên tục tăng trong những năm gần đây (2014-2018) như phản ánh của đại biểu là hoàn toàn chính xác. Thực trạng này không chỉ ở tỉnh mà đây là thực trạng chung của cả nước và rất đáng lo ngại.

Độ tuổi bình quân trong ly hôn ở Bến Tre phổ biến nhất là 20-40 tuối và đang có xu hướng trẻ hóa (dưới 30 tuổi); trên 2/3 số vụ ly hôn trên địa bàn tỉnh do người phụ nữ đề nghị và tỉ lệ ly hôn sau những năm đầu chung sống 1-5 năm chiếm khoảng 60% vụ án ly hôn.

Làm thế nào kéo giảm ly hôn?

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn là do các cặp vợ chồng không còn tình cảm yêu thương lẫn nhau, không thủy chung, không muốn đồng hành cùng nhau trong xây dựng hạnh phúc gia đình; không tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và có xu hướng tìm kiếm hạnh phúc khác.

Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn đại biểu HĐND.

Mặt khác là do mâu thuẫn trong lối sống, bất đồng về quan điểm sống phát sinh trong đời sống gia đình, tính tình không hợp nhau (chiếm khoảng 50%), trong khi các cặp vợ chồng (đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ) chưa chuẩn bị đầy đủ tâm lý, sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân gia đình, chưa trang bị đủ kiến thức để xử lý mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống dẫn đến mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt và ly hôn.

Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng do diều kiện kinh tế chưa đảm bảo cho cuộc sống riêng hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định cùng với việc sinh con sớm nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, sinh ra bất hòa, mâu thuẫn. Lý do nữa là vì công việc nên các cặp vợ chồng ít có điều kiện chung sống với nhau (mỗi người làm một nơi) hoặc do quá chú trọng làm ăn, thiếu sự quan tâm đến tình cảm vợ chồng nên dễ bị phai nhạt tình cảm dẫn đến ly hôn.

Các đại biểu tham dự kỳ họp HĐND. Ảnh: H.Tr

Với trách nhiệm trong quản lý nhà nước, qua ý kiến của đại biểu Triều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu một số giải pháp nhằm kéo giảm ly hôn hiện nay. Ông cho rằng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện phát triển kinh tế đế chăm lo hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng con người phát triển toàn diện.

Trong đó ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu, phối hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt việc xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiên bộ, bền vững. Ngành tư pháp hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt và nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở  hằm kịp thời phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ lẻ trong gia đình; tháo gỡ những mâu thuẫn trong cuộc sống, giúp các cặp vợ chồng hàn gắn rạn nứt, tìm được tiếng nói chung trong xây dựng gia đình và giáo dục con cái.

Ngành tòa án cần chú trọng công tác hòa giải tại tòa, kiên trì động viên, thuyết phục các bên làm tròn trách nhiệm của người cha, người mẹ trong gia đình cũng như cảnh báo những hệ lụy việc ly hôn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý và hình thành nhân cách của con cái.

Bên cạnh đó các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể cần quan tâm, tuyên truyền xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; có giải pháp kéo giảm các tệ nạn xã hội, tạo môi trường xã hội thuận lợi cho phát triển kinh tế. Cùng với đó, quan tâm, tạo điều kiện về vốn, kiến thức, việc làm cho các cặp vợ chồng trẻ có diều kiện kinh tế khó khăn có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống gia đình…

Theo số liệu của TAND tỉnh Bến Tre trong năm 2019, TAND hai cấp đã thụ lý 9.223 vụ án dân sự, so với cùng kỳ giảm 262 vụ, giải quyết 8.441 vụ (đạt 91,5%), còn lại 782 vụ. Trong đó TAND tỉnh thụ lý 598 vụ, đã giải quyết 542 vụ (đạt 90,6%), còn lại 56 vụ; TAND huyện, thành phố thụ lý 8.625 vụ, đã giải quyết 7.899 vụ (đạt 91,6%), còn lại 726 vụ.

Trong 9.223 vụ án dân sự trên, trong năm TAND hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 4.715/9.223 vụ (chiếm 51,12% số lượng án dân sự thụ lý), đã giải quyết 4.651 vụ (đạt 98,6%); còn lại đang giải quyết 64 vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới