Vừa qua, Di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm tại tỉnh Thái Nguyên được đề nghị công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc Di tích quốc gia đặc biệt là gì? Tiêu chí phân loại, xếp hạng ra sao?
Trao đổi với PV, LS Nguyễn Việt Hùng - Đoàn LS TP.HCM cho biết:
Điều 29 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là di tích) được chia thành: Di tích cấp tỉnh, Di tích quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo khoản 3 Điều 29 Luật Di sản văn hóa 2001 quy định di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:
Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc;
Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam;
Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam và thế giới;
Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
Điều 30 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định Thủ tướng có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Từ năm 2009 đến năm 2023, sau 14 đợt xếp hạng, hiện nay nước ta có khoảng 130 Di tích quốc gia đặc biệt, như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Chiến trường Điện Biên Phủ, Quần thể di tích cố đô Huế, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Dinh Độc lập, Đền Hùng, Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Vịnh Hạ Long, Cố đô Hoa Lư, Nhà tù Côn Đảo, Pác Bó, Thành nhà Hồ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thương cảng Vân Đồn, Đình Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh)...
Di tích quốc gia đặc biệt là di sản văn hóa vật thể nên tổ chức, cá nhân liên quan có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 14, 15 và 16 Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2009).
Đề nghị công nhận di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm là Di tích quốc gia đặc biệt
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn lập hồ sơ đề nghị công nhận di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đầu năm 2024, Viện Khảo cổ Học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tiếp tục tổ chức khai quật lần thứ 5 tại Di chỉ Mái đá Ngườm.
Qua đánh giá bước đầu của các chuyên gia, bằng những phân tích khoa học về địa tầng, hiện vật thu được dự đoán niên đại dao động từ khung 60.000 năm tới khoảng 120.000 năm trước.
Theo đánh giá của Viện Khảo cổ học: Đây là loại hình di tích hang động/mái đá duy nhất phát hiện các bằng chứng về quá trình sử dụng và chế tác công cụ đá sớm nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tại Mái đá Ngườm, di cốt động vật và nhuyễn thể được phát hiện cho thấy sự thay đổi và tính đa dạng về hành vi khai thác, sử dụng qua thời gian.
Cùng với sự ghi nhận việc sử dụng lửa để nướng chín thức ăn, các công cụ xương được mài, được sử dụng trong các lớp văn hóa sớm, cho thấy đây cũng là các công cụ xương được mài kết hợp với việc sử dụng công cụ xương có niên đại sớm nhất được ghi nhận trong các hang động và mái đá trên toàn lãnh thổ Việt Nam.