Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo về quan điểm định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, diễn ra ngày 28-3.
Nên xây dựng theo hướng đồng ý
Ông Nguyễn Trọng Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết trong những năm qua, để kiểm soát và quản lý mại dâm, Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại còn hạn chế, trong đó có cơ chế, tức chưa công nhận mại dâm là một nghề.
Ông Nguyễn Trọng Đạt cho rằng cần thừa nhận mại dâm là một nghề để thuận tiện trong việc kiểm soát. Ảnh: VIẾT LONG
“Vì vậy, theo tôi việc xây dựng Luật về mại dâm phải xem đây là một nghề. Theo đó, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, chẳng hạn như người bán dâm phải đăng ký, được khám sức khỏe định kỳ hàng tháng để hạn chế tối đa các bệnh lây lan qua đường tình dục… Thậm chí, thành lập tổ chức để kiểm soát hoạt động này và có nộp thuế cho Nhà nước…”- ông Đạt nêu quan điểm cá nhân.
Ông Đạt cũng thừa nhận, để xem mại dâm là một nghề ở Việt Nam không hề đơn giản, nhưng phải nhìn vào tình hình thực tế hoạt động mại dâm hiện nay, không nên cố lảng tránh. Đối với tên gọi là một nghề, theo ông Đạt ban đầu có thể không quen, do vướng thuần phong mỹ tục… nhưng dần dần sẽ trở nên bình thường. Tuy nhiên, cũng phải có đánh giá tác động xã hội và nghiên cứu một cách thấu đáo.
Không phản bác lại ý kiến trên nhưng ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định việc thừa nhận mại dâm là một nghề rất khó. Nguyên nhân, ngoài những yếu tố thuần phong mỹ tục, nếu là nghề phải có những điều kiện đi kèm như nơi làm việc, hình thức quảng cáo như thế nào, thu nhập ra sao…
“Đó là chưa kể theo Luật giáo dục nghề nghiệp phải được đào tạo, như vậy bao giờ mới được hành nghề… cái này vô cùng khó”, ông Lập nhận định.
Không thừa nhận nhưng vẫn cho hoạt động?
Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định không có quốc gia nào hình sự hóa hoàn toàn và chẳng có quốc gia nào phi hình sự hóa hoàn toàn mại dâm. Mức độ điều chỉnh của mỗi quốc gia khác nhau.
Từ đó, ông Đàm đặt vấn đề: “Giờ Việt Nam chọn không nói năng gì nữa hay là công nhận một nghề. Nếu coi là nghề thì phải coi các điều kiện kèm theo… Tuy nhiên, quan điểm của tôi việc coi mại dâm là một nghề là khó, còn cấm như hiện nay thì mại dâm vẫn tồn tại, nguy hại cao”.
Về vấn đề này, ông Đinh Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), kể câu chuyện về việc cấm mại dâm Thái Lan trước đây. Theo đó, cảnh sát lùng sục bắt bớ người bán dâm, khách làng chơi không có chỗ chơi, y tế không tiếp cận được… Sau đó, Thái Lan trải qua đại dịch AIDS. Nhưng đến hôm nay họ có ngành công nghiệp sex, kéo theo du lịch phát triển.
“Tôi gặp một cán bộ Thái Lan hỏi họ có xem mại dâm là một nghề không, họ bảo không, nhưng quản lý rất tốt. Hiện nay cảnh sát được ngủ ngon, ngân sách thu được tiền, y tế được tiếp cận, ngăn chặn được đại dịch… như vậy là hài hòa lợi ích hai bên.
Tôi cho rằng Việt Nam là một nước có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan, vì vậy chúng ta nên nghiên cứu xem. Quan điểm của tôi là phi hình sự hóa hoạt động mại dâm là hợp lý…”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Thế nào là hành vi mua, bán dâm? Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội hiện nay việc xây dựng Luật về mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Theo đó, dự kiến luật gồm 6 chương. Trong đó, bán dâm được định nghĩa là hành vi quan hệ tình dục của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; mua dâm được xem là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được quan hệ tình dục. |