Theo một nghiên cứu gần đây, Premier League có số ca chấn thương cao nhất trong số 5 giải đấu hàng đầu châu Âu mùa trước. Số ca chấn thương ở giải đấu hàng đầu nước Anh lên tới 1.231 trong mùa giải 2021-2022, so với 938 của mùa trước.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi công ty môi giới bảo hiểm quốc tế Howden, Chelsea đứng đầu về số ca chấn thương của giải Ngoại hạng Anh với 97 trường hợp, Manchester United đứng thứ hai với 81 và Liverpool - đội đã đi đến cuối mọi giải đấu mùa trước - có 80 trường hợp.
Giải đấu Premier League cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt tài chính do chấn thương của cầu thủ, khi mất 184,57 triệu bảng, với La Liga ở Tây Ban Nha đứng thứ hai với 109,34 triệu bảng.
Chelsea gặp nhiều chấn thương nhất ở mùa giải năm ngoái. Ảnh: CGI. |
Chi phí chữa trị chấn thương cho các CLB trong các giải đấu “Big Five” trong chiến dịch mùa giải 2021-2022 là 513,23 triệu bảng, tăng 29% so với mùa giải trước. Các ca chấn thương đã tăng 20% so với mùa giải trước, với 4.810 trường hợp được ghi nhận.
Man United đã chi phí chữa trị chấn thương cho cầu thủ cao nhất là 26,72 triệu bảng, với mức trung bình cho mỗi ca chấn thương là 330.000 bảng và chiếm 14,5% tổng chi phí chấn thương của toàn bộ Premier League.
Nhà vô địch Pháp Paris St Germain - nơi có những ngôi sao bao gồm Kylian Mbappe, Neymar và Lionel Messi, có chi phí chấn thương cao nhất so với bất kỳ CLB nào ở châu Âu với 34,22 triệu bảng. Từ mùa giải 2024-2025 trở đi, các giải đấu CLB của châu Âu được thiết lập mở rộng với thêm 64 trận đấu trong khuôn khổ Champions League, sẽ khiến cho tình trạng chấn thương ngày càng tăng lên.
Cầu thủ quá tải và gặp chấn thương nhiều là nỗi ám ảnh lớn của năm giải đấu hàng đầu châu Âu. Ảnh: CGI. |
Đáng chú ý các đội bóng ở Premier League nhất trí trong việc muốn ban lãnh đạo giải đấu của họ chính thức yêu cầu Liên đoàn bóng đá Anh loại bỏ các trận đấu lại vòng ba và vòng bốn của FA Cup từ cùng một mùa giải. Hãng thông tấn PA cho biết các CLB lớn trong nhóm “Big Six” của Anh đang ở ủng hộ việc cho phép những đội bóng đang thi đấu ở châu Âu không đá Carabao Cup hoặc nhường cho đội trẻ dưới 21 tuổi.
Ở cấp độ toàn cầu, Liên đoàn cầu thủ thế giới (FIFPRO) muốn lịch thi đấu mới bao gồm bốn hoặc năm tuần nghỉ giải lao khỏi môi trường CLB và đội tuyển quốc gia cho tất cả các cầu thủ, sau một mùa giải bị bắt kiệt sức. Thêm vào đó, FIFPRO đề nghị tăng thời gian nghỉ giữa mùa cho cầu thủ kéo dài từ một đến hai tuần.
Ai cũng biết các cầu thủ, đặc biệt ở châu Âu phải thi đấu liên tục với tần suất dày đặc. Họ thường than phiền quá thiếu thời gian nghỉ ngơi và hồi phục năng lượng. FIFPRO cho biết cần có giới hạn về số trận đấu trong một mùa giải để cầu thủ có thể bảo đảm sức khỏe tốt nhất. FIFPRO lo ngại số lần xuất hiện của cầu thủ cao hơn ở châu Âu chỉ làm tăng nguy cơ chấn thương và cũng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ sự nghiệp của họ.