Vừa rồi tôi có việc đến trang trại chăn nuôi của gia đình để nghỉ qua đêm. Trên đường đi, tôi bị bốn cảnh sát cơ động thuộc huyện Mê Linh kiểm tra và thu giữ một con dao tôi tự chế dùng để phòng thân.
Cho tôi hỏi với hành vi mang vũ khí như vậy, tôi có bị xử phạt không và mức phạt ra sao?
Bạn đọc tên Tuấn (dongianvianh…@gmail.com)
Luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ mà không có giấy phép; vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ mà không có giấy phép.
Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định “vũ khí thô sơ” gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.
Do vậy, nếu dao tự chế mà bạn mang theo phòng thân là dao găm thì được xem là vũ khí thô sơ và bị xử phạt với mức phạt như trên.
Nếu dao bạn mang theo không phải dao găm nhưng công an chứng minh được bạn mang theo dao nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác thì bạn có thể bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013.
Theo đó, hành vi “tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hằng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.