Thông tin trên được bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cung cấp cho Pháp Luật TP.HCM vào chiều 21-4.
Sau khi truy xuất, Sở NN&PTNT TP.HCM ghi nhận mẫu năng luộc nhiễm vàng O nói trên có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Nông.
“Ngay sau đó, Sở NN&PTNT TP.HCM có công văn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông giám sát cơ sở sản xuất măng luộc nhiễm chất vàng O” - bà Cúc nói.
Ảnh minh họa
Cùng ngày, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM cho biết chi cục cũng đã lấy bốn mẫu măng luộc và măng khô kinh doanh tại hai chợ trên địa bàn TP.HCM phân tích.
Kết quả cả bốn mẫu (100%) đều dương tính chất vàng O. Cụ thể, hai mẫu măng khô chứa hàm lượng vàng O là 11,84µg/kg và 41,35µg/kg; hai mẫu măng luộc chứa hàm lượng vàng O là 17,06µg/kg và 3108,94 µg/kg.
Chi cục ATVSTP TP.HCM tiến hành kiểm tra và truy xuất nguồn gốc măng luộc và măng khô nhiễm vàng O. Chi cục cũng tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP.HCM chỉ đạo Sở NN&PTNT TP tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh măng luộc, măng khô có chứa vàng O.