Sáng 25-4, hàng ngàn công nhân đã tập trung về Cung Văn hóa Lao động TP.HCM để tham dự Lễ khai mạc Tháng công nhân năm 2015. Đặc biệt, buổi lễ đã quy tụ 437 công nhân bị tai nạn lao động trên toàn thành phố.
Nhiều người trong số họ từng là đồng nghiệp cũ đã vội tay bắt mặt mừng khi gặp lại nhau. Chúng tôi bắt gặp một người đàn ông đang gắn sức bẻ lái bánh xe lăn để yên vị vào hàng ghế đầu. Khuôn mặt khắc khổ. Mái tóc điểm hoa râm. Thân người anh nhỏ thó, đen nhẻm, tay và chân tong teo khác thường. Quan sát, một đường ống dài được nối từ quần vào túi nilông y tế lớn bên hông anh.
Anh Nguyễn Hồng Sơn bị thương tật đến 95%. Hơn 15 năm, anh đã ngồi trên chiếc xe lăn này.
Hỏi ra mới biết, người đàn ông ấy tên là Nguyễn Hồng Sơn, 37 tuổi (ngụ phường Phú Thạnh, quận Tân Phú). Anh vốn quê ở Cần Thơ, theo gia đình lên Sài Gòn từ nhỏ. Năm 2000, anh Sơn tham gia đoàn lao động của quân đội. Không may trong một chuyến khai hoang, anh bị ngã từ trên cao xuống đất. Đưa tay lau mồ hôi trán, anh Sơn nói: “Khoảng thời gian nằm viện, tôi từng muốn chết khi chỉ việc giơ bàn chân lên mà cũng không thể”.
Kết quả giám định, anh bị thương tật vĩnh viễn đến 95%. Anh không thể tự đứng dậy. Mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày đều do mẹ mình giúp. Cũng từ đấy, cuộc đời người đàn ông này gắn liền với chiếc xe lăn và dụng cụ hỗ trợ vệ sinh cá nhân đến bây giờ…
Theo lời anh Sơn, trước khi bị tai nạn, gia đình anh vốn đã rất nghèo. Cả nhà bốn người chỉ đủ kiếm được miếng cơm rau cháo qua ngày. Tai vạ liền nhau, người em trai kém anh vài tuổi cũng bị liệt cả hai chân sau một tai nạn giao thông. Gia đình anh rơi vào cảnh kiệt quệ…
Số tiền trợ cấp tai nạn lao động ít ỏi không đủ nuôi sống gia đình và tiền nhà mỗi tháng. Không có sức khỏe, anh nghĩ ra cách dùng tiếng hát của mình để kiếm thêm thu nhập. Và cũng từ đó, người ta nhìn thấy trên đường phố Sài Gòn hình ảnh người mẹ đẩy một thanh niên cất tiếng hát trên chiếc xe lăn đi bán vé số hằng ngày…
15 năm đã qua. Người mẹ già giờ đã không đủ sức đẩy con trai mình rong ruổi khắp các nẻo đường. Giờ, cả nhà Sơn sống tằn tiện bằng số tiền trợ cấp hộ nghèo và thương tật 2 triệu đồng mỗi tháng. Tuy thiếu thốn nhưng gia đình này đã thôi bi lụy.
Sơn tâm sự: “Tôi đã quen với mọi thứ. Những tủi hờn của tinh thần đã qua đi. Tôi phải vui sống vì ông trời còn giữ lại cái mạng mình mà”.
Đã gần tứ tuần, người đàn ông này vẫn cảnh gối chăn lẻ chiếc. Khi được hỏi, Sơn chỉ cười gượng: “Thân tôi lo cho tôi còn chưa xong, sao dám làm khổ người khác”.
Nụ cười lạc quan của chị Tô Ly Đa, công nhân công tyTNHH Thương mại MTVQuang Huy
Cũng như Sơn, nhiều công nhân có mặt trong buổi lễ đều phải chịu nhiều mất mát do tai nạn lao động. Đa số họ đều đã có khoảng thời gian gục ngã và muốn từ bỏ cuộc sống. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền và mặc cảm vây quanh. Thế nhưng, ngày hôm nay, trên những gương mặt ấy là những nụ cười rạng rỡ.
Sáng 25-4, Lễ khai mạc tháng công nhân năm 2014 đã diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM (Q.1). Sự kiện đã thu hút hàng ngàn công nhân tham dự. Tại buổi lễ, lãnh đạo thành phố đã trao quà (gồm 500.000 đồng và các nhu yếu phẩm) cho 437 công nhân bị tai nạn lao động, 40 công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, 200 phần quà cũng đã được trao cho các công nhân là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các công nhân còn dành thời gian nhắn tin đến tổng đài để kỉ niệm các chiến sĩ trong sự kiện Gạc Ma. |