Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi xuống trái đất, Mỹ nói Bắc Kinh không chia sẻ thông tin

(PLO)- Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nói rằng Trung Quốc không chia sẻ quỹ đạo rơi xuống trái đất của tên lửa Trường Chinh 5B.

Các quan chức hàng không của Trung Quốc và Mỹ đã xác nhận các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B (Long March 5B) của Trung Quốc đã rơi trở lại trái đất vào ngày 30-7, theo tờ South China Morning Post.

Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Ấn Độ Dương vào khoảng 12 giờ 45 phút trưa 30-7 (theo giờ ban ngày phương Đông EDT). Tuy nhiên, những câu hỏi về khía cạnh kỹ thuật như khả năng các mảnh vỡ phân tán và những nơi bị ảnh hưởng thì Bộ này chờ câu trả lời từ Trung Quốc.

Sau đó, Cơ quan Không gian có Người lái Trung Quốc (CMSA) đã xác nhận các mảnh vỡ từ tên lửa này vào 12 giờ 55 phút và khu vực các mảnh vỡ rơi là ở biển Sulu, gần đảo Palawan ở phía tây Philippines. Cơ quan này cho biết phần lớn các mảnh vỡ đã bốc cháy khi rơi xuống trái đất.

Chùm sáng được cho là các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống trái đất. Nguồn: TWITTER

Tổng Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson cho biết Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin về quỹ đạo cụ thể của tên lửa rơi. Ông nói rằng tất cả các nước có hoạt động ngoài không gian nên tuân theo các thông lệ và chia sẻ loại thông tin này để dự đoán được nguy cơ tác động của các mảnh vỡ, đặc biệt là với các phương tiện siêu trọng có nguy cơ gây ra thiệt hại về người và của, như Trường Chinh 5B.

Đầu tuần này, các chuyên gia cho biết thân tên lửa sẽ nổ tung khi lao qua bầu khí quyển nhưng có thể nó sẽ tạo ra “mưa” mảnh vỡ trên khu vực dài 2.000 km, rộng 70 km, theo hãng tin Reuters.

Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa đưa ra bình luận về vụ việc này. Đầu tuần này, Trung Quốc cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ đường bay của các mảnh vỡ nhưng khẳng định rất ít nguy cơ gây nguy hiểm cho con người.

Tên lửa Trường Chinh 5B đã được phóng đi vào ngày 24-7 để đưa mô-đun thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung đang được xây dựng trên quỹ đạo. Đây là lần thứ 3 của tên lửa mạnh nhất Trung Quốc bay vào không gian kể từ lần phóng đầu tiên vào năm 2020.

Tuy nhiên, ở 2 lần phóng trước, tên lửa của Trung Quốc cũng đã rơi mất kiểm soát xuống một số khu vực.

Cụ thể, năm 2020, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Bờ Biển Ngà làm hư hại một số tòa nhà, may mắn là không ghi nhận thiệt hại về người. Năm 2021, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh khác cũng đã rơi xuống Ấn Độ Dương và cũng không gây ra thiệt hại nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới