‘Mập mờ’ một hồ sơ đề nghị phong anh hùng

Chiều 9-12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Phú Yên tổ chức tiếp xúc các nguyên lãnh đạo tỉnh để thông báo kết quả kỳ họp QH vừa qua. Song song đó, đoàn gửi các cán bộ lão thành một tập tài liệu 20 trang liên quan đến việc đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho ông Đào Tấn Ngoạn (1923-2001), cha của ông Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên.

Theo bà Đặng Thị Kim Chi - Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, ông Đào Tấn Lộc cáo bệnh nên vắng mặt tại cuộc tiếp xúc này.

Làm hồ sơ sai quy trình, trái quy định

Trong tập tài liệu trên có một văn bản của Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) gửi Ban Tường vụ Tỉnh ủy Phú Yên vào ngày 5-11 cho rằng hồ sơ đề nghị truy tặng Anh hùng LLVTND cho ông Ngoạn do huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) lập và đề nghị, tỉnh Phú Yên chỉ hiệp y. Ngoài ra, trong tập tài liệu còn có một công văn của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 gửi cho cá nhân ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, vào ngày 11-9 có nội dung tương tự văn bản của Cục Tuyên huấn.

Ông Quang bức xúc nói rằng đây là văn bản của cá nhân, không hiểu vì sao Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên lại tự tiện phát hành cho cử tri. Đại tá Phạm Văn Hổ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên, ĐBQH tỉnh Phú Yên, giải thích ông Đào Tấn Lộc đã chỉ đạo ông phôtô các văn bản trên gửi đến các cán bộ lão thành.

Nhiều vị nguyên lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng tập tài liệu trên “như đổ dầu vào lửa”. Ông Nguyễn Tường Thuật, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết trước đây ông Đào Tấn Ngoạn chủ yếu tham gia kháng chiến, công tác tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Văn Chín, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên, không hài lòng với buổi tiếp xúc. Ảnh: TL

Trước khi nghỉ hưu năm 1980, ông Ngoạn là bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột (nay là Thành ủy Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Theo thông tư của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành các nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Thi đua - Khen thưởng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, trường hợp ông Ngoạn phải do Thành ủy Buôn Ma Thuột lập hồ sơ, đề nghị. Mặt khác, theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, việc xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ phải kết thúc trong năm 2014.

Phản bác lại hai văn bản cho rằng tỉnh Phú Yên chỉ hiệp y, Thiếu tướng Nguyễn Tự Lực, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, viện dẫn hàng loạt tài liệu, văn bản cho biết tỉnh Phú Yên đã trực tiếp lập hồ sơ, đề nghị truy tặng anh hùng đối với trường hợp ông Ngoạn. Trước đây, Tỉnh ủy Phú Yên có văn bản đề nghị Tỉnh ủy Đắk Lắk lập hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng cho ông Ngoạn. Tuy nhiên, Tỉnh ủy Đắk Lắk có văn bản từ chối với lý do ông Ngoạn không có thành tích đặc biệt trong giai đoạn công tác tại tỉnh này.

Đầu năm 2014, Tỉnh ủy Phú Yên soạn sẵn bản báo cáo thành tích của ông Ngoạn dài 10 trang, gửi cho Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đề nghị truy tặng cho ông này. Tuy nhiên, do đã hết thời hạn xét, Quân khu 4 không thụ lý hồ sơ ông Ngoạn nên tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chuyển trả toàn bộ hồ sơ cho tỉnh Phú Yên.

Gần một năm rưỡi sau, ngày 20-8-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên họp, thống nhất đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét, truy tặng danh hiệu cho ông Ngoạn, đồng thời giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Đến ngày 25-8, UBND tỉnh Phú Yên có tờ trình gửi Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu anh hùng cho ông Ngoạn.

Vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng

Trong khi đó, giải thích tại cuộc tiếp xúc trên, Đại tá Phạm Văn Hổ vẫn khẳng định: “Toàn bộ hồ sơ đề nghị truy tặng cho ông Ngoạn đều do huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế làm. Tỉnh Phú Yên chỉ hiệp y. Ông Ngoạn có công trạng gì ở Phú Yên mà làm”. Tuy nhiên, ông Hổ không đưa ra được một văn bản nào cho thấy Phú Yên làm thủ tục hiệp y.

Câu trả lời của ông Hổ đã khiến phần lớn các nguyên lãnh đạo tỉnh Phú Yên tại cuộc tiếp xúc không hài lòng. “Tỉnh Phú Yên đã làm hoàn toàn trái các quy định của pháp luật! Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên phải nhận thấy cái sai của mình để sửa chứ không thể như vậy được” - ông Nguyễn Văn Chín, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Nhơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nói thêm: “Cái sai này có nguyên nhân từ sự nể nang. Đừng vì nể nang mà vượt qua luật pháp, làm một việc không đúng!”.

Ông Vũ Văn Thoại, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tiếp lời: “Đây là việc làm “cố đấm ăn xôi”! Khi cái sai đã bị phát hiện nhưng Tỉnh ủy không cầu thị. Vì sao nhiều cán bộ lão thành đã gửi đơn yêu cầu làm rõ trách nhiệm những người liên quan nhiều tháng nay nhưng Tỉnh ủy vẫn không trả lời? Vì sao im lặng như vậy?”.

Do hầu hết lãnh đạo tỉnh Phú Yên vắng mặt tại cuộc tiếp xúc trên nên những câu hỏi trên vẫn chưa có đáp án. Dư luận vẫn đang chờ đợi câu trả lời chính thức từ lãnh đạo tỉnh Phú Yên!

TẤN LỘC

Đề nghị trung ương vào cuộc

Ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, cùng nhiều nguyên lãnh đạo khác của Phú Yên đã đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra việc chỉ đạo làm hồ sơ trường hợp ông Ngoạn cũng như kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Đào Tấn Lộc. Trước mắt, các vị nguyên lãnh đạo tỉnh yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải tổ chức cuộc đối thoại để trả lời sự vụ trên với sự tham gia của đại diện Cục Tuyên huấn, Quân khu 5.

Bà Đặng Thị Kim Chi cho biết Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên sẽ đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện các yêu cầu trên. Tuy nhiên, bà Chi nói thêm: “Các anh, các chú sao nói nặng nề quá vậy! Sao cứ suy diễn ra vậy?”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm