Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN đã tổ chức buổi trò chuyện với các đồng đẳng viên và các gia đình có con em nghiện ma túy vào ngày 3-11 tại TP.HCM.
Ông Phạm Thanh Vân, người phụ trách chương trình Tình Thân (trực thuộc Hội Phòng, chống AIDS TP.HCM), là chuyên gia trong lĩnh vực trợ giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng, có kinh nghiệm gần 20 năm công tác. Ông đã giải đáp nhiều khúc mắc lớn mà các phụ huynh có con em bị nghiện luôn canh cánh trong lòng.
Làm sao để giúp con em dứt được ma túy?
Ông Phạm Thanh Vân: Tôi từng làm việc với một gia đình có ba người con trai đều nghiện ma túy. Người mẹ đưa con đi cai nghiện nhưng khi con vật vã năn nỉ, bà lại cho con xài thuốc.
Một thời gian sau, của cải trong nhà tiêu tán hết, bà vẫn cố đáp ứng nhu cầu của con vì quá thương con. Sau đó các con bà lần lượt chết vì ma túy và AIDS. Bà than thở: “Thà nó nghiện nhưng mình còn ngó thấy nó, giờ không ngó thấy nữa buồn thương tụi nó quá”. Chính vì thương con sai cách mà bà mất luôn con.
Trong khi đó, một bà mẹ khác đã đánh đổi cuộc sống tiện nghi ở TP, đưa con về Đồng Nai để giúp con cai nghiện và đoạn tuyệt hẳn với bạn bè xấu. Bà luôn bên con để động viên và cứng rắn để không thỏa hiệp.
Sau đó bà vui mừng cho biết con bà đã hòa nhập trở lại với xã hội. Gia đình phải luôn bên cạnh con em mình nhưng phải đủ cứng rắn để không thỏa hiệp..
Học viên cai nghiện được tham gia nhiều hoạt động lành mạnh. Ảnh: Internet
Làm sao để người sau cai vượt qua những định kiến để hòa nhập xã hội?
Anh NVL (đồng đẳng viên đến từ quận Gò Vấp): Tôi từng là một người nghiện ma túy phải vào trung tâm cai nghiện. Dù đã cực kỳ nỗ lực để cắt đứt hoàn toàn với ma túy nhưng xã hội mình luôn có định kiến.
Có nhiều bạn trẻ sau cai mất phương hướng đã tái nghiện trở lại bởi họ không đủ nỗ lực để vươn lên. Người bình thường cố gắng làm gì cũng như từ mặt đất leo lên cây. Còn chúng tôi ở dưới mặt đất, nghĩa là dưới hố, phải nỗ lực mà nhảy lên nếu không muốn chết dưới hố. Tôi luôn nói với các bạn trẻ như vậy để giúp họ có đủ cố gắng từ bỏ ma túy.
Anh TVK (đồng đẳng viên đến từ quận 9): Gia đình tôi chia ly, tôi bị đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Sau khi được trở về hòa nhập cộng đồng, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời nhưng khi đi xin việc, hầu hết chủ lao động đều từ chối.
Tôi đến những công ty địa bàn khác để xin việc, họ nhìn tôi nghi ngại vì tôi ốm quá rồi từ chối luôn. Tôi làm bảo vệ một thời gian rồi giờ đi làm phụ hồ. Nếu được quay lại, tôi nhất định không dính vào ma túy.
Từng ở trại cai nghiện, tôi thấy nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng ma túy. Khi không đủ nghị lực và không được gia đình giúp đỡ, họ sẽ không leo lên được miệng hố.
Tùy khả năng của mỗi người, các học viên được học nghề để có thể có được nghề nghiệp ổn định khi tái hòa nhập. Ảnh: NLĐ
Đi trung tâm cai nghiện có phải là giải pháp khả thi nhất?
Chị NTKD (nhân viên của chương trình Tình Thân): Thực tế là nhiều người cho biết họ vẫn mua được ma túy ở trong trung tâm cai nghiện. Có người khi ra khỏi trung tâm, việc đầu tiên là họ tìm mối mua một liều chích cho đã.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là giúp đỡ người nghiện về mặt tinh thần và nhận thức. Chỉ khi họ nhận thức được và cố gắng từ bỏ, họ mới có thể cai được. Những người sau cai khi đảm nhận vai trò đồng đẳng viên, họ truyền thông rất hiệu quả bởi họ hiểu hết mọi ngóc ngách trong đời sống của người nghiện mà chúng ta chưa chắc làm được.
Một phụ huynh: Nhiều đứa trẻ dù gia đình không dư dả nhưng cha mẹ nuông chiều, hay cho tiền rồi các em tụ tập nhau chơi chất cấm. Cha mẹ phải luôn theo sát con, giúp con tránh được tệ nạn.
Ở một khu dân cư lao động nghèo ở quận 7, tôi biết gia đình nào cũng có con em nghiện. Nhiều thanh niên ở đó đã chết vì AIDS rất đau lòng. Cách phòng ngừa ngay từ đầu mới là giải pháp tốt nhất.