Hiện nay, nhu cầu xin cấp, đổi giấy phép lái xe nhưng không có hồ sơ gốc đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt là khi đổi GPLX bằng giấy sang thẻ PET. Tuy nhiên nhiều người lại không biết được thủ tục cấp, đổi GPLX gồm những gì và có được chấp nhận hay không.
Căn cứ quy định tại Thông tư 38/2019 (sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 12/2017) quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đường bộ thì trường hợp người lái xe có nhu cầu xin cấp đổi GPLX do cũ, mờ nhưng không có hồ sơ gốc sẽ đổi được.
Mất hồ sơ gốc, người lái xe vẫn có thể được cấp, đổi GPLX. Ảnh: TN
Cụ thể, người lái xe cần thực hiện thủ tục đổi GPLX thực hiện như sau: chuẩn bị hồ sơ gồm Đơn đề nghị đổi GPLX theo mẫu quy định; Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, (trừ các đối tượng sau: người có GPLX hạng A1, A2, A3; người có nhu cầu tách GPLX có thời hạn và không thời hạn).
Và cuối cùng là bản sao GPLX, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam). Hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Theo đó, khi người lái xe nộp hồ sơ có thể gửi trực tiếp hoặc bằng hình thức kê khai trực tuyến đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT tỉnh, TP mình sống để được giải quyết cấp đổi GPLX theo quy định.
Khi đến thực hiện thủ tục đổi GPLX, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp GPLX và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.
Theo quy định tại Thông tư 188/2016 của Bộ Tài chính thì người lái xe đề nghị cấp đổi GPLX phải nộp lệ phí là 135.000 đồng/lần.
Từ 1-8, người thi sát hạch lái xe sẽ áp dụng bộ đề 600 câu hỏi. Theo đó, bộ đề này gồm nhiều nội dung mà người học lái xe được trang bị như đạo đức người lái xe, kỹ năng xử lý tình huống và các hệ thống biển báo hiệu, cấu tạo và sửa chữa xe… |