Mất kiên nhẫn với COVAX, nhiều nước nghèo tự tìm mua vaccine

Trong bối cảnh nhiều nước có thu nhập thấp vẫn chưa tiếp cận được vaccine COVID-19, nhưng hơn 75% nguồn vaccine lại phân bổ ở nhiều nước có thu nhập cao, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 5-2 đã kêu gọi các nhà sản xuất vaccine chia sẻ công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất.

Trước tình hình trên, nhiều quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thấp đã mất kiên nhẫn và “tự thân vận động” tìm kiếm nguồn cung vaccine từ các nước khác, tờ South China Morning Post ngày 7-2 đưa tin.

Ông Tedros và nhiều chuyên gia lo ngại rằng những nỗ lực riêng lẻ trên của các nước có thể ảnh hưởng tới nỗ lực chống dịch chung, trong đó có sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX do WHO tài trợ.

Giám đốc WHO kêu gọi “mở rộng quy mô lớn”

Ông Tedros ngày 5-2 cho biết số lượng vaccine COVID-19 được sử dụng hiện đã vượt qua con số hơn 100 triệu ca nhiễm trên toàn cầu.

Tuy đây là một tin tốt, song ông Tedros cũng bày tỏ lo ngại khi hơn 3/4 số vaccine COVID-19 hiện được phân phối chủ yếu tại khoảng 10 quốc gia có thu nhập cao.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS

“Một số quốc gia đã tiêm vaccine cho phần lớn người dân, kể cả những người có nguy cơ thấp trong việc mắc bệnh nặng hoặc tử vong. Trong khi đó, gần 130 quốc gia, với 2,5 tỉ dân vẫn chưa tiếp cận vaccine” - ông Tedros nói, song không đưa ra ví dụ cụ thể. 

Chương trình COVAX do WHO dẫn đầu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng của các nước đối với vaccine COVID-19 dự kiến sẽ bắt đầu quá trình phân phối vaccine vào cuối tháng này.

Tuy nhiên, ông Tedros quan ngại rằng việc phân phối vaccine không đồng đều giữa các nước đang ảnh hưởng đến nỗ lực chung chống COVID-19.

Ông Tedros kêu gọi các quốc gia “chia sẻ vaccine khi đã hoàn thành việc tiêm chủng đối với nhân viên y tế và người lớn tuổi”.

Ông Tedros nhấn mạnh việc cần phải có “quy mô sản xuất lớn”, theo đó kêu gọi các nhà sản xuất vaccine tự nguyện chia sẻ dữ liệu và công nghệ, hay cấp “giấy phép không độc quyền nhằm cho phép các nhà sản xuất khác sản xuất vaccine của họ”, cũng như giúp “xây dựng các cơ sở sản xuất bổ sung, đặc biệt là ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh”.

Các quốc gia thu nhập thấp mất kiên nhẫn

Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều quốc gia có thu nhập thấp đã “tự lực cánh sinh” nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho người dân, thay vì tiếp tục chờ đợi nguồn vaccine từ sáng kiến COVAX của WHO.

Theo SCMP, một số quốc gia như Serbia, Bangladesh, Mexico, Honduras gần đây đã bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho công dân, nguồn vaccine này có được thông qua các khoản quyên góp hoặc giao dịch thương mại.

Nhà ngoại giao Mustaqeem De Gama tại phái đoàn Nam Phi ở Geneva nhấn mạnh "mức độ tuyệt vọng" trước tình trạng lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2, cũng như "sự không chắc chắn rằng khi nào có thể tiếp nhận vaccine từ sáng kiến COVAX". 

Ông nghi ngờ rằng các quốc gia đã đăng ký COVAX “thậm chí sẽ chỉ nhận được 10% lượng vaccine so với những gì họ yêu cầu”.

Ngay cả khi nỗ lực thành công, mục tiêu của COVAX là tiêm chủng cho ít hơn 30% người dân ở các nước có thu nhập thấp, đồng nghĩa rằng các nước này sẽ phải tìm kiếm thêm các nguồn cung khác mới có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết nước này buộc phải cắt giảm các hợp đồng của chính mình sau khi chứng kiến các quốc gia giàu có tranh giành các suất vaccine khan hiếm.

“Cứ như thể họ có ý định tiêm phòng cho tất cả những con mèo và con chó của họ” - ông Vucic chỉ trích các quốc gia khi đã mua số lượng vaccine nhiều hơn mức họ cần.

Theo SCMP, mặc dù Serbia đã trả khoảng 4,8 triệu USD cho COVAX vào năm 2020, song tới nay vẫn chưa nhận được bất kỳ mũi tiêm nào. Trước đó, Serbia hồi tháng 1 đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng với vaccine mua từ hãng Pfizer, hãng Sinopharm của Trung Quốc hay vaccine Sputnik V của Nga.

Ông Kate Elder - cố vấn cao cấp về vaccine tại tổ chức Medecins Sans Frontieres - cho rằng các nước đang phát triển không nên bị chỉ trích vì tiến hành các giao dịch mua vaccine riêng vì đó chính xác là những gì các nước giàu đã làm vào năm 2020.

“Mỗi quốc gia chỉ đang làm những gì họ cảm thấy cần thiết nhằm bảo vệ người dân, nhưng khả năng các nước có vaccine trước khi nhận từ COVAX có thể ảnh hưởng các nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong tương lai. Nếu các quốc gia đều tự mua vaccine, thì WHO và Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) sẽ phân phối vaccine cho họ như thế nào?” – bà Elder bày tỏ.

Tổng Giám đốc WHO Tedros gần đây đã cảnh báo rằng thế giới đang đứng trước bờ vực của một “thảm họa đạo đức thất bại” nếu vaccine COVID-19 không được phân phối một cách công bằng, song cho biết cơ quan này không có quyền buộc các nước giàu phải chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới