Mất tám năm mới xong một dự án nhà ở thương mại

Theo văn bản HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, các dự án nhà ở thương mại thường mất thời gian trên dưới tám năm mới có sản phẩm đưa ra thị trường.

Cụ thể, dự án mất khoảng trên dưới ba năm để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng.

Tiếp đó, mất khoảng trên dưới hai năm để lập một loạt thủ tục chuẩn bị đầu tư gồm quyết định chủ trương đầu tư; phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500; quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư; quyết định thu hồi đất, giao đất dự án cho chủ đầu tư; quyết định tiền sử dụng đất; thẩm định thiết kế cơ sở - thiết kế kỹ thuật - giấy phép xây dựng; thực hiện quy trình xác định giá đất - thẩm định giá đất - quyết định tiền sử dụng đất dự án; nộp tiền sử dụng đất để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Xong các công đoạn trên, chủ đầu tư mất khoảng trên dưới ba năm nữa để triển khai thực hiện dự án, xây dựng các công trình trong dự án. Tính ra để dự án nhà ở thương mại hoàn thành từ khâu làm thủ tục hồ sơ pháp lý đến xây dựng xong mất khoảng trên dưới tám năm trời.

Thế nhưng nhiều dự án hiện nay vẫn còn vướng mắc dù các dự án nhà ở thương mại đã có quyết định công nhận chủ đầu tư, đã có quỹ đất sạch; được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; được cấp giấy phép xây dựng (hoặc miễn giấy phép xây dựng) và hội đủ điều kiện khởi công công trình theo quy định của Luật Xây dựng.

Khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, các chủ đầu tư vẫn chưa được khởi công xây dựng công trình mà phải chờ “quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất”, điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư dự án.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng đây là do cách hiểu chưa chuẩn nội dung khoản 1 Điều 108 Luật Xây dựng: “Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai” trong quá trình thực thi pháp luật xây dựng.

“Vì vậy, hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung vào Điều 108 Luật Xây dựng quy định về chuẩn bị mặt bằng xây dựng, như sau: Nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 (hoặc bản vẽ tổng mặt bằng); công nhận chủ đầu tư dự án; thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; giấy phép xây dựng thì được coi là đã hoàn thành công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng và được khởi công xây dựng công trình của dự án, theo tinh thần được ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành là Luật Xây dựng” - ông Châu góp ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm