Mới đây, TAND huyện Quế Sơn, Quảng Nam đã xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn giữa chị TTĐ và anh NVS.
tại đơn khởi kiện, chị Đ. trình bày: Chị và anh S. đã ly hôn theo quyết định của TAND huyện Quế Sơn trước đó, tòa có giao mỗi người nuôi một con chung. Tuy nhiên, từ khi ly hôn đến nay, anh S. không trực tiếp nuôi dưỡng con mà giao cho ông bà nội nuôi và anh S. cũng không có trách nhiệm với con. Sống với bà nội, cháu T. thiếu thốn nhiều cả về vật chất và tinh thần. Hiện nay cháu T. có nguyện vọng được sống với chị. Chị thương con và với trách nhiệm của một người mẹ, chị mong muốn con được ở gần mẹ. Vì vậy, chị yêu cầu được trực tiếp nuôi cháu T.
Bị đơn là anh S. trình bày: Khi ly hôn, anh được tòa án xử giao cháu T. cho anh trực tiếp nuôi dưỡng. Sau khi ly hôn, cháu T. ở với ông bà nội còn anh chu cấp tiền bạc, học hành, mọi thứ theo cháu T. yêu cầu. Thu nhập trung bình mỗi tháng của anh là 10 triệu đồng và hiện tại anh đủ điều kiện để nuôi dưỡng con nên không đồng ý giao con cho chị Đ. nuôi dưỡng.
HĐXX đã nhận định: Anh S. thừa nhận sau khi ly hôn anh giao con cho ông bà nội nuôi dưỡng và thu nhập bình quân mỗi tháng là 10 triệu đồng. Theo biên bản xác minh ngày 4-10-2018 tại UBND xã Hương An xác nhận: “Anh S. trước đây làm thủ kho cho một công ty may trên địa bàn xã Hương An nhưng nay đã nghỉ việc, chưa có việc làm mới nên không rõ mức thu nhập của anh S. Đối với cháu T. thì từ khi anh S. và vợ ly hôn, anh S. giao cháu T. cho mẹ ruột của anh S. trực tiếp nuôi dưỡng”.
Tại đơn xin được ở với mẹ và bản tự khai ngày 1-10-2018, cháu T. trình bày: “Cháu có nguyện vọng được sống với mẹ vì từ khi ba mẹ ly hôn thì cháu sống với ông bà nội, thiếu thốn tình cảm, ba không có trách nhiệm, không quan tâm đến cháu”.
Theo đơn xin xác nhận ngày 15-10-2018 của chị Đ. cung cấp thì hiện nay chị có việc làm và thu nhập ổn định. Như vậy, xét về điều kiện kinh tế thì chị Đ. đảm bảo việc nuôi con hơn anh S. và sau khi ly hôn anh S. không trực tiếp nuôi dưỡng con mà giao con cho ông bà nội nuôi là vi phạm nghĩa vụ và quyền của người trực tiếp nuôi con sau ly hôn, theo quy định tại Điều 69, Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình.
Theo tòa, khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Mặt khác, khoản 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ bảy tuổi trở lên”.
Tòa cho rằng theo quy định trên thì anh S. không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Do đó, căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Đ., giao cháu T. cho chị Đ. trực tiếp nuôi dưỡng để đảm bảo cho sự phát triển về mọi mặt của cháu.
Nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên... 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. (Trích Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) |