Thời gian gần đây, trung tâm khai thác khu bay tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã phát hiện ba vụ lốp máy bay bị các loại ốc vít, đinh mũ găm vào. Vậy các sân bay làm gì để kiểm soát các vật thể găm vào lốp, bắn vào động cơ, đảm bảo an toàn cho hoạt động bay và nhân viên làm việc tại khu bay?
Vật gì thường găm vào lốp máy bay?
Trao đổi với PV, một phi công kỳ cựu dòng máy bay thân rộng Airbus - A350 của Vietnam Airlines chia sẻ FOD đe dọa an toàn đối với quá trình cất hạ cánh. Phi công này cảnh báo máy bay siêu thanh Concorde từng rơi vì FOD hồi năm 2000. Chiếc Concorde của Air France cán phải một mẩu kim loại trên đường băng lúc cất cánh làm nổ lốp và mảnh cao su bắn vào khoang nhiên liệu gây chập điện làm động cơ mất điều khiển khiến 113 người thiệt mạng.
|
Xe hút FOD tại sân bay Nội Bài. Ảnh: N.HÀ |
Để đảm bảo an toàn khu bay, một nhân viên làm việc ở khu bay tại sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ bất kể trời mưa hay nắng họ không phút lơ là, ngoài phương tiện hút, thổi và quét hiện đại thì nhân viên ở khu bay luôn căng mắt phát hiện các vật thể lạ, dù mẫu đất cát hay túi nylon do mưa gió cuốn vào khu bay. Thậm chí còn giao trách nhiệm cho nhân viên làm việc từng khu vực, đơn vị nào chịu trách nhiệm khu vực đó.
Giám đốc Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình) Nguyễn Thành Nam chỉ ra FOD tại khu bay khởi phát từ nhiều nguồn như các phương tiện phục vụ hàng hóa, chở hành khách bung sút ra hoặc chai nước do hành khách vô ý rơi ra. Bởi vậy, hoạt động kiểm soát FOD luôn được đặt lên hàng đầu tại các sân bay và được duy trì nghiêm ngặt. Trước và sau mỗi chuyến bay cất hạ cánh và sau mỗi ngày đều có nhân viên đi kiểm tra, giám sát.
“Tất cả sân bay đều trang bị phương tiện thổi, hút và quét tất cả FOD trên đường băng, đường lăn rất hiện đại. Đồng thời, mỗi nhân viên hàng không xem như là một bộ cảm biến để phát hiện FOD ở khu bay” - ông Nam nói.
Còn lãnh đạo một sân bay ở miền Trung lưu ý với các sân bay có tần suất không quá dày đặc, công tác kiểm tra, phát hiện FOD thuận lợi hơn. Ngược lại, các sân bay có tần suất khai thác nhộn nhịp cần tính toán sát sao vì máy bay cất hạ cánh liên tục.
Đường băng được hút bụi hằng ngày
Theo Bộ tiêu chuẩn về kiểm soát FOD tại cảng hàng không, sân bay do Cục Hàng không Việt Nam công bố năm 2020, FOD có thể là một vật bất kỳ như vật liệu xây dựng, giấy, kẹp giấy, bút, đồng xu, các mảnh vỡ, cây cối, cát và thảm thực vật rời, thẻ hành lý, mũ, chim, động vật hoang dã…
Liên quan đến vụ việc ba máy bay cán đinh và mẻ cánh quạt, đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết để kiểm soát FOD, Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài thường xuyên, định kỳ và bất thường tổ chức kiểm tra, thu gom FOD, vệ sinh khu bay khi có sự vụ.
Cụ thể, Trung tâm Khai thác khu bay Nội Bài được trang bị các phương tiện quét, hút FOD. Mỗi lần đi kiểm tra, ngoài hệ thống xe quét, hút còn có các kíp nhân viên kiểm tra trực quan, thu gom các FOD mà phương tiện không hút được. Việc thu gom diễn ra 24/7 theo các khung giờ nhất định tại tất cả vị trí đỗ máy bay, đường lăn, đường cất hạ cánh...
Khi có vụ việc liên quan đến FOD như máy bay bị rách lốp, các đơn vị chuyên môn của cảng sẽ phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Bắc tổ chức đoàn kiểm tra theo lộ trình di chuyển của máy bay nhằm nhanh chóng phát hiện nguyên nhân và FOD (nếu có) để đảm bảo tuyệt đối an toàn bay.
Phía sân bay Tân Sơn Nhất cũng thông tin công tác vệ sinh quét, hút FOD được kiểm tra với tần suất bảy lần/ngày, trong đó tổ liên ngành thực hiện hai lần và Trung tâm Khai thác khu bay Tân Sơn Nhất thực hiện năm lần.
Bên cạnh đó, các tổ liên ngành thực hiện kiểm tra theo lịch định kỳ với tần suất 14-16 lượt/tháng. Đồng thời, sân bay này yêu cầu từng đơn vị phục vụ phải nghiêm túc thực hiện công tác tự kiểm tra, kiểm soát FOD trong phạm vi quản lý và trong suốt quá trình phục vụ máy bay…•
Yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt FOD
Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); hai cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cảng vụ hàng không miền Bắc, Trung, Nam kiểm soát FOD trên đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ tại các cảng hàng không, sân bay.Cụ thể, nhà chức trách hàng không yêu cầu ACV chỉ đạo các cảng hàng không trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, dọn dẹp vệ sinh, chấp hành nghiêm chỉnh quy trình kiểm tra tình trạng khu bay để kịp thời phát hiện, dọn dẹp FOD. Trong đó, tập trung vào hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cảng hàng không đang có hoạt động thi công tại khu bay.
Đồng thời rà soát số liệu, chỉ số liên quan đến FOD; thực hiện quy trình nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro, xác định mức độ cảnh báo đối với các cảng hàng không. Từ đó triển khai cụ thể giải pháp để tăng cường kiểm soát và ngăn chặn FOD tại từng cảng hàng không, đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị chuyên dùng nhằm phát hiện, loại trừ FOD tại cảng hàng không.