Máy bay Su-22U rơi, 2 phi công hy sinh

Đến tối 26-7, lực lượng chức năng tiếp tục phong tỏa hiện trường, tìm kiếm các mảnh vỡ của chiếc máy bay quân sự Su-22U của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ).

Bị nạn khi bay huấn luyện

Máy bay này gặp nạn, rơi ở xã Nghĩa Yên (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vào trưa cùng ngày khi đang bay huấn luyện. Vụ tai nạn làm Trung tá phi công Khuất Mạnh Trí (40 tuổi, quê Hà Nội), Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng của Trung đoàn 921 và Thượng tá Phạm Giang Nam (46 tuổi, quê Thái Bình), Chủ nhiệm bay của Trung đoàn 921, hy sinh.

Theo Bộ Quốc phòng, lúc 11 giờ 16 phút ngày 26-7, máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 thực hiện bay huấn luyện, mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút.

Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng PK-KQ phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Một nguồn tin cho hay chiếc Su-22U xuất phát từ sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Vị trí máy bay rơi là đồi núi, không có nhà dân. Đường vào khu vực này hiểm trở, trời mưa khiến việc cứu hộ gặp khó.

Theo ông Quế (ngụ xã Nghĩa Yên), khi đang ở trong nhà thì ông nghe tiếng máy bay, sau đó ông nghe tiếng nổ lớn. Ông nghĩ là thả bom hoặc máy bay rơi nên chạy ra xem thì thấy cột khói bốc lên nên nghi là máy bay rơi. “Tôi điện thoại cho xã nói có máy bay rơi thì cán bộ xã không tin, bảo tôi xem kỹ. Sau đó, tôi chắc chắn là máy bay rơi nên điện báo. Ngay lập tức, các lực lượng của xã chạy đến hiện trường…” - ông Quế nói.

Ông Nguyễn Văn Lan (48 tuổi, trú làng Dừa) và nhiều người dân nơi đây cho biết thấy máy bay bay trên trời có khói đen từ phía sau rồi nghe tiếng nổ lớn. Khi biết máy bay rơi, xã và người dân đội mưa, chạy ngược núi lên hiện trường nhưng các phi công đã hy sinh.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng PK-KQ phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, các đơn vị quân đội và các địa phương trên địa bàn Quân khu 4 kịp thời khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; cùng với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương làm tốt công tác chính sách, chủ động thăm hỏi, động viên gia đình hai phi công.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Trung đoàn Không quân 921 cho hay: Đoàn công tác nhiều thành phần, trong đó có cả quân y đã động viên gia đình cũng như ổn định tinh thần cho các đơn vị trong toàn sư đoàn.

Nhiều mảnh vỡ văng xa hơn 300 m

Hơn 200 người (bộ đội, dân quân và lực lượng khác); tám ô tô cứu hỏa, xe cứu thương cùng tham gia tìm kiếm, cứu nạn ở xã Nghĩa Yên.

Khu vực trời mưa khiến công tác tìm kiếm, cứu nạn gặp khó khăn. Từ trung tâm xã Nghĩa Yên lên đến hiện trường phải đi bộ khoảng hai giờ đồng hồ, leo qua các ngọn đồi, núi.

Người dân ở làng Dừa nhặt được nhiều mảnh vỡ, thiết bị của Su-22U cách nơi máy bay rơi xuống núi khoảng 200-300 m. Những thiết bị người dân nhặt được, họ mang nộp cho cơ quan chức năng.

Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã lập đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Phương Hòa, Phó Tham mưu trưởng quân khu, dẫn đầu đến hiện trường để xác minh vụ việc.

Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Quân chủng PK-KQ cũng lập đoàn công tác vào hiện trường. Lực lượng của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, huyện Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Yên cũng có mặt để phục vụ việc cứu hộ, cứu nạn.

Dự kiến hai phi công hy sinh sẽ được đưa về Nhà tang lễ Quân khu 4 để làm thủ tục cần thiết và tổ chức lễ truy điệu.

Khu vực Su-22U gặp nạn. Ảnh: ĐL

Lực lượng chức năng tìm kiếm các mảnh vỡ tại hiện trường.

Các thiết bị từ Su-22U do người dân nhặt được.

Tổn thất lớn cho không quân

“Tổn thất quá lớn! Cả hai anh đều rất lão luyện, là vốn quý của lực lượng không quân” - Đại tá Nguyễn Khánh Duy, một phi công kỳ cựu, nói.

Vì sao hai phi công lão luyện lại phải bay huấn luyện? Đại tá Nguyễn Khánh Duy, một phi công kỳ cựu, nhận định: Khả năng một trong hai phi công này bị gián đoạn bay một thời gian nên phải bay phục hồi theo quy định. Tức là được một phi công khác bay kèm để phục hồi các phản xạ nghề nghiệp.

Theo ông Duy, hoạt động bay huấn luyện có nhiều dạng. Huấn luyện bài bay mới thì dành cho phi công trẻ, còn bay phục hồi thì kể cả phi công lão luyện mà vì công việc hoặc sức khỏe một thời gian dài không bay thì cũng phải được bay kèm để nhớ lại bài bay.

Tùy loại bài bay mà giãn cách một hay hai tháng là phải bay phục hồi. “Tổn thất thế này thì lớn quá! Cả hai anh đó, ở chức danh đó là rất lão luyện, là vốn quý của lực lượng” - ông Duy đau xót nói.

Được biết máy bay và phi công trên thuộc Trung đoàn 921, Sư đoàn 371. Đơn vị này đóng quân tại sân bay Đa Phúc, khu vực quân sự thuộc khu vực sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) nhưng phải vào Nghệ An bay huấn luyện. “Khả năng là vì khu vực bay ngoài này chật chội, vướng các hoạt động hàng không dân dụng nên phải cơ động vào trong đó bay huấn luyện. Trong đó lại có trường bắn quốc gia Mây Tào, là nơi huấn luyện ném, bắn của không quân nên có thể huấn luyện được nhiều bài bay khác nhau. Một bài bay huấn luyện chừng 30 phút. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng, bắt đầu từ 11 giờ 16 phút đến 11 giờ 35 thì mất liên lạc, tức là gần hoàn thành xong bài tập rồi…” - ông Duy giải thích.

921 là đơn vị không quân tiêm kích cấp trung đoàn đầu tiên của không quân Việt Nam.

Máy bay cường kích Su-22U gia nhập không quân Việt Nam từ năm 1979. Đến nay nó vẫn là một trong các máy bay chủ lực của VN làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển.

Cường kích Su-22 được thiết kế dựa trên mẫu Su-7 ra đời từ giữa những năm 1950. Trong không quân Việt Nam, ngoài Su-22, chúng ta còn duy trì cả dòng tiêm kích MiG-21 với thiết kế điển hình tương tự Su-7, cửa hút không khí đặt chung với mũi chứa radar.

Su-22U được Liên Xô trang bị cho kiểu cánh cụp cánh xòe. Nghĩa là cánh máy bay có thể giang rộng ra hoặc áp sát vào thân máy bay. Hiện không có quốc gia nào ở Đông Nam Á sở hữu loại máy bay nào có kiểu cánh tương tự.

• Trung tá Khuất Mạnh Trí, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng. Nhập ngũ tháng 9-1995. Giờ bay tích lũy: 1.130 giờ 37 phút; giờ bay trong năm: 111 giờ tám phút. Đã bay qua các loại máy bay: L-39, MiG-21, Su-22.

• Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921. Nhập ngũ tháng 9-1991. Giờ bay tích lũy: 1.178 giờ 32 phút; giờ bay trong năm: 106 giờ 58 phút. Đã bay qua các loại máy bay: L-39, MiG-21Bis, Su-22M. 

Anh Nam để lại 2 con còn rất nhỏ…

Năm 2013, Thượng tá Phạm Giang Nam cưới chị Phan Minh Trang (31 tuổi, phát thanh viên Đài PTTH Thái Bình).

Hai vợ chồng sinh sống cùng cha chị Trang tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình. Hai vợ chồng có hai con, con gái lớn mới bốn tuổi, cháu trai nhỏ mới hơn hai tuổi.

Hàng xóm, gia đình Thượng tá Nam cho hay: Vì đặc thù công việc, thỉnh thoảng anh Nam mới về nhà. Theo ông T., cuộc sống gia đình anh Nam còn khá khó khăn. Cách đây một năm, vợ chồng anh Nam đã mua được căn nhà nhỏ ở phường Bồ Xuyên. Căn nhà mới này khá xập xệ, phải sửa chữa khá nhiều. Đầu năm nay, cả nhà dọn về đó sinh sống.

Máy bay Su-22U rơi, 2 phi công hy sinh ảnh 4
Vợ chồng Thượng tá Nam cùng hai con nhỏ. Ảnh: Facebook

Gia đình anh Nam có ba anh em, anh Nam là con cả, dưới anh là hai người em gái.

Theo một người bạn của vợ chồng anh Nam công tác tại Đài PTTH Thái Bình, trưa nay chị Trang (vợ anh Nam) nhận được xin dữ về chồng mình. Chiều tối 26-7, xe của đơn vị anh Nam đã về Thái Bình đón chị Minh Trang, sau đó đi về gia đình cha mẹ anh Nam ở thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, Thái Bình) để thông báo tin buồn.

Người bạn này cho hay những dịp về nhà, anh Nam thường chở vợ đến cơ quan làm việc. “Anh ấy hay gặp gỡ, trò chuyện với đồng nghiệp của vợ. Cách nay vài hôm, anh gọi điện thoại  hẹn sang tuần về với anh em nhưng anh đã lỗi hẹn rồi” - đồng nghiệp ở Đài PTTH Thái Bình cho hay.

Tối 26-7, nhà cha mẹ Thượng tá Nam ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy có rất đông người đến chia buồn, động viên gia đình.

Khoảng 19 giờ 30 tối 26-7, ô tô của đơn vị anh Nam đã về tới gia đình, báo tin buồn anh Nam đã hy sinh. Người mẹ chỉ biết khóc, gọi tên con trai…

ĐỖ HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm