Đến ngày 7-8, công trình thi công lắp đặt máy bơm khổng lồ để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM vẫn còn ngổn ngang. Ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (đơn vị chế tạo máy bơm chống ngập), nhìn nhận công trình không thể hoàn thành trước ngày 10-8 như cam kết ban đầu mà có thể kéo dài đến cuối tháng 8. Ngoài khó khăn về thi công, phương án tài chính về thuê máy bơm chống ngập này hiện vẫn còn bế tắc.
Gây sạt lở nguy hiểm
Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, vị trí lắp đặt trạm bơm sát mép sông Sài Gòn, nằm trong khu biệt thự Sài Gòn Pearl nên việc thi công kéo dài gây không ít phiền toái cho người dân. Lực lượng bảo vệ khu biệt thự xác nhận trong thời gian qua xe ra vào công trình mang theo bùn đất làm mất vệ sinh, mất an toàn giao thông cho khu vực này. Đại diện ban quản lý khu biệt thự Sài Gòn Pearl cũng cho biết đơn vị đã nhiều lần phản ánh với Trung tâm chống ngập TP (đơn vị được UBND TP giao theo dõi quá trình thi công, lắp đặt máy bơm khổng lồ) về tình trạng này và yêu cầu chấn chỉnh.
Ngoài yêu cầu chấn chỉnh việc thi công gây mất vệ sinh, mất an toàn giao thông, Trung tâm chống ngập TP còn yêu cầu chấn chỉnh các hạng mục thi công gây nguy hiểm. Cụ thể, theo xác định của Trung tâm chống ngập TP, khi thi công tường cừ và đào đất để lắp đặt hệ thống bơm đã xảy ra sạt lở nguy hiểm. “Hố đào có thể bị mất ổn định do hệ thống chống đỡ không đủ khả năng chịu lực hoặc do hiện tượng trượt sâu. Trường hợp này các công trình liền kề hố đào bị chuyển vị lớn và có thể ảnh hưởng đến an toàn công trình bờ kè sông Sài Gòn - vị trí sát khu biệt thự Sài Gòn Pearl” - đại diện Trung tâm chống ngập TP cho biết.
Ngoài vị trí hố đào để lắp máy bơm, Trung tâm chống ngập TP còn xác định khi thi công đào đoạn cống băng đường Nguyễn Hữu Cảnh (trước tòa nhà The Manor), tại vị trí tuyến băng ngang bằng thép đào để đấu nối vào tuyến cống thoát nước TP trước tòa nhà này cũng bị sạt lở, hở hàm ếch, ảnh hưởng đến kết cấu hệ thống cống thoát nước, đường và vỉa hè.
Trước đó, Sở GTVT TP từng cảnh báo khi vận hành máy bơm có thể gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra, hệ thống máy bơm còn có khả năng gây tình trạng sụp lún hệ thống cống thoát nước ở khu vực này. Nguyên nhân là do công suất máy bơm quá lớn, khi vận hành có thể cuốn trôi cả đất, đá vào hệ thống cống thu nước và gây ra tình trạng sụp lún. Sở GTVT TP yêu cầu đơn vị thi công chú ý khắc phục tình trạng này.
Theo Trung tâm chống ngập TP.HCM, khu vực đào hố lắp máy bơm được xác định bị sạt lở và gây nguy hiểm cho bờ kè sông Sài Gòn. Ảnh: KB
Khu vực thi công cống băng ngang trên đường Nguyễn Hữu Cảnh để gom nước về trạm bơm cũng gây mất an toàn giao thông. Ảnh: KB
Chưa thống nhất giá thuê
Về phương án tài chính để thuê máy bơm chống ngập của Tập đoàn Quang Trung, theo Sở GTVT TP, ban đầu đơn vị đầu tư đề xuất tính tổng chi phí đầu tư sản xuất và lắp đặt hệ thống máy bơm với số tiền hơn 156 tỉ đồng, giá cho thuê hằng năm hơn 15 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới đây Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đề xuất tổng chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống máy bơm công suất lớn là 142,9 tỉ đồng (không tính tiền một số hạng mục như nhà điều hành, sàn đỡ máy bơm…) và tiền thuê máy bơm hơn 14 tỉ đồng/năm. Trong cả hai lần đề xuất phương án cho thuê máy bơm, phía Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đều đã tính chi phí lãi vay nguồn vốn đầu tư hệ thống máy bơm trong 10 năm với lãi suất 12% (số tiền tương ứng lên đến 57 tỉ đồng).
Theo Sở GTVT TP, chi phí trên chỉ mới do phía Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tính toán và đề xuất nên Sở Tài chính TP cần phải tổ chức thẩm định, xác định giá trị thật của công trình này. Sở GTVT TP cũng đề nghị Sở Tài chính khi thẩm định cần thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy, đảm bảo phương án thuê máy bơm chống ngập phải rẻ hơn phương án chống ngập tương tự.
Tập trung vào thi công Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về cơ sở nào để đưa ra mức cho thuê máy bơm 14 tỉ đồng/năm cũng như tính lãi suất 12% trong thời hạn 10 năm, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, chỉ cho biết do đây là mô hình mới, chưa có công trình nào tương tự nên các bên liên quan chưa thống nhất được phương án tài chính. Theo ông Cường, trước mắt công ty tập trung vào việc thi công để vận hành máy bơm, chứng minh hiệu quả chống ngập, sau đó mới bàn đến vấn đề tài chính. Theo tính toán của Sở Tài chính TP.HCM phương án thuê máy bơm chống ngập với kinh phí hơn 14 tỉ đồng/năm (bao gồm lãi suất 12%) là cao hơn so với chi phí chống ngập dùng máy bơm mà TP đang thực hiện, đồng thời tính lãi suất 12% là chưa phù hợp vì mức lãi suất hiện nay chỉ dưới 10%. |