Phương án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh bằng hệ thống máy bơm công suất lớn do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung chế tạo vừa được phía TP.HCM đồng ý cho thực hiện. Đây là phương án chống ngập kiểu mới vì đơn vị thực hiện tự bỏ tiền đầu tư, khi nào hết ngập mới lấy tiền. Dù vậy, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về phương án chống ngập này.
Cần 400 m2 để đặt máy bơm
Theo thông báo của Văn phòng Thành ủy, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý đề xuất của ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, về phương án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh bằng hệ thống máy bơm công suất lớn do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung nghiên cứu, chế tạo.
Hiện phía Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung đã đề xuất được bố trí một khu đất có diện tích rộng hơn 400 m2 ở địa bàn phường 22, quận Bình Thạnh để lắp đặt máy bơm bơm nước ngập từ đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông Sài Gòn. Máy bơm của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung có công suất lên đến 72.000 m3/giờ, dự kiến sẽ lắp đặt và vận hành ngay trong mùa mưa năm nay.
Tuy nhiên, trong các báo cáo trình UBND TP về phương án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh bằng hệ thống máy bơm công suất lớn, Sở GTVT TP cũng cho rằng phương án chống ngập của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung không thể phát huy hiệu quả chống ngập vì không thể thu gom nước như mong muốn. “Do hệ thống cống nhỏ hẹp, hư hỏng nên lượng nước không thể dồn về đủ để bơm ra sông. Nếu dùng máy bơm công suất quá lớn, hút cả bùn cát, đất đá trong lòng cống còn có thể gây ra tình trạng sụp lún mặt đường…” - Sở GTVT bày tỏ lo ngại.
Ông Diệp Nguyên Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM, xác nhận trong thời gian qua hai máy bơm của công ty không thể hoạt động hết công suất vì lượng nước thu gom về không đủ. “Có nhiều thời điểm mưa lớn nhưng máy bơm chỉ chạy chừng hai giờ là hết nước” - ông Thịnh nói.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh biến thành biển nước sau một trận mưa lớn. Ảnh: T.THANH
Sẽ bơm thí điểm
Về bài toán kinh tế, Sở GTVT TP cho rằng số tiền lắp đặt hệ thống máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh quá cao so với phương án chống ngập tương tự. Cụ thể, chi phí lắp đặt máy bơm hơn 88,6 tỉ đồng, đó là chưa kể kinh phí vận hành hệ thống này hằng năm. Trong khi đó, để chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện hữu chỉ cần lắp đặt thêm máy bơm công suất khoảng 6.410 m3/giờ với kinh phí chỉ 14 tỉ đồng.
Chiều 5-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm chống ngập (đơn vị được giao trách nhiệm đánh giá về phương án chống ngập của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung), cho biết trước mắt Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung sẽ thực hiện thí điểm, khi nào đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập mới tính đến phương án ký hợp đồng thuê bao. “Trong trường hợp đường không hết ngập hoặc xảy ra tình trạng lún sụp như cảnh báo thì Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung phải chịu tất cả chi phí liên quan” - ông Công nói.
Cần lưu ý vấn đề môi trường Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, các sở, ngành liên quan phải xác định giá trị hợp đồng hợp lý để thuê dịch vụ chống ngập của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung. Cụ thể, chi phí thuê dịch vụ này phải rẻ hơn chi phí chống ngập do Trung tâm chống ngập thực hiện. Ngoài ra, lãnh đạo Thành ủy cũng lưu ý các vấn đề về tiếng ồn, môi trường, tình trạng hư hỏng phát sinh… phải được làm rõ trước khi ký hợp đồng thuê dịch vụ chống ngập kiểu mới này. ____________________________________ Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho rằng hệ thống máy bơm công suất lớn do công ty chế tạo sẽ giải quyết được tình trạng ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh. Từ tháng 8-2016, sau khi TP.HCM chấp thuận chủ trương, tập đoàn đã dày công thiết kế, chế tạo thành công hệ thống máy bơm thông minh này. |