Mày mò “đánh bóng” thương hiệu cho chanh

Thậm chí “tậu” luôn một trang web để đưa thông tin về cây chanh lạ, mục đích là giới thiệu ra thị trường ngoại.

à nông dân rặt ri nhưng anh Nguyễn Văn Chiến, chủ nông trại Hải Âu (Bến Lức, Long An), nắm bắt được thời cơ, đăng ký và quảng bá thương hiệu tốt. Sản phẩm của anh bán đi khắp trong và ngoài nước.

Nông dân chơi chanh... Mỹ

Anh Chiến kể, năm 2003, cúm gia cầm đã làm cho gia đình anh thiệt hại gần 200 triệu đồng. Sau đó, anh chuyển sang nuôi trùn quế nhưng cũng thất bại. Không nản lòng, anh và vợ tiếp tục lên mạng tìm kiếm xem trồng cây gì cho hiệu quả, thậm chí đi chỗ này chỗ nọ học hỏi kinh nghiệm và tìm giống cây.

Trong một lần đi Bình Dương, anh Chiến phát hiện một giống chanh lạ. Đó là loài chanh không hạt của Mỹ mới nhập về, cho năng suất rất cao, thị trường rộng lớn. Thấy được tiềm năng kinh doanh của loài chanh mới, anh Chiến và vợ lặn lội đi học trồng chanh. “Lúc đó thấy trái chanh rất to và mọng nước, chất lượng thì hơn hẳn chanh gai, mình nghĩ trồng cái này hay, không chỉ bán tốt trong nước mà cũng có thể bán ra nước ngoài, thế là mình bàn với bà xã làm liều”.

Anh Chiến kể: “Trước đây, ở Long An cũng khá nổi tiếng với cây chanh gai nhưng không hiểu sao mang kỹ thuật đó áp dụng cho chanh không hạt thì không được. Chanh không có bệnh gì mà cứ tự vàng lá mà chết, hỏi nhà vườn thì họ không biết hoặc giấu nghề không nói”.

Thấy chồng không kham nổi việc, thậm chí chán nản, chị Bùi Thị Ba, vợ anh Chiến, cũng bỏ việc nội trợ đi học trồng chanh. Để trồng chanh vườn, chị lặn lội xuống Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long… tham quan và học hỏi kinh nghiệm ở các nhà vườn. Thậm chí mỗi lần có bệnh, chị Ba chạy đôn chạy đáo đến các viện nghiên cứu để nhờ chữa bệnh cho chanh.

Khoảng năm 2006, dù vườn cây bắt đầu cho trái ổn định nhưng vợ chồng anh Chiến luôn bị ép giá. Nghĩ đến kế hoạch lâu dài, hai vợ chồng lại bàn bạc, nghiên cứu cùng các con tìm một kênh tiêu thụ hiệu quả hơn.

Mày mò “đánh bóng” thương hiệu cho chanh ảnh 1

Chanh không hạt cho trái to và nhiều người ưa thích.

“Làm ăn lớn thì không thể lôm côm”

Chị Bùi Thị Ba kể: “Thời điểm đó, lái thu mua có 2.000-3.000 đồng/kg, siêu thị thì cho rằng sản phẩm này mới quá, không biết người tiêu dùng có mua không, họ cũng không dám ký hợp đồng. Cả gia đình phải đổ đi các thành phố lớn, các chợ để bán chanh. Rất may là chanh quả to, không hạt, nước nhiều, bắt mắt nên ai nhìn vào cũng thích”.

Thế nhưng thấy trái chanh của mình chưa đẹp, khách hàng chẳng biết nguồn gốc xuất xứ, hai vợ chồng anh Chiến mua túi lưới nylon đóng thành gói 1-3 kg. Đến năm sau, không chỉ Co.op Mart, Big C, các nhà hàng ăn uống tìm đến vườn chị mà ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua siêu thị cũng tìm đến mua trực tiếp.

“Làm ăn lớn thì không thể lôm côm, thế là mình nghĩ đến chuyện phải có thương hiệu và mình nghĩ đến thương hiệu VICA, do cây chanh có nguồn gốc từ California của Mỹ, được trồng ở Việt Nam nên chọn tên VICA (viết tắt của chữ Việt Nam, California). Sau 17 tháng nộp đơn, năm 2008, trái chanh không hạt của bà Ba được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa độc quyền” - anh Chiến tâm sự.

Anh Chiến bắt đầu nghĩ đến chuyện làm thương hiệu mạnh hơn, anh nghiên cứu Internet và bắt đầu thực hiện việc quảng bá sản phẩm trên các trang web miễn phí. Thậm chí “tậu” luôn một trang web để đưa thông tin về cây chanh lạ, mục đích là giới thiệu ra thị trường ngoại.

Đến nay, gia đình Út Chiến đã có trên 13 ha trồng chanh. Trong đó có hơn 6 ha đã cho thu hoạch. Chỉ tính riêng vụ chanh sớm vừa qua, anh chị đã thu hoạch được gần 30 tấn, trị giá gần 1 tỉ đồng. Thấy các đơn hàng ngày càng lớn, hai năm nay anh Chiến chiết nhánh bán cho nông dân trong vùng phát triển vườn chanh, tận tình hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu luôn sản phẩm.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm