Mới đây, Trung tâm quản lý đường thủy phối hợp với Công ty CP công trình giao thông Sài Gòn đã cho vận hành thiết bị công nghệ mới trong việc thu gom rác trên sông Vàm Thuật, tại cầu Bến Phân (quận Gò Vấp, TP.HCM).
Theo quan sát của PV chỉ trong vài giờ làm việc hàng tấn lục bình được thu gom lên bờ.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý bảo trì, Trung tâm quản lý đường thủy, cho biết nhiều năm nay, việc vớt rác góp phần giảm thiểu lượng rác trên các tuyến sông trên, từng bước cải thiện môi trường khu vực. Tuy nhiên, việc vớt rác còn thô sơ, sử dụng nhiều lao động thủ công, hiệu quả và năng suất chưa cao.
Do đó, đơn vị đã thí điểm vận hành thiết bị công nghệ mới được nhập khẩu từ Mỹ. Với công nghệ mới này, công nhân không phải vớt thủ công mà hoàn toàn điều khiển bằng máy, hai ngày thu gom một lần, công suất vớt khoảng 25 đến 30 tấn trong vòng 8 giờ.
"Thiết bị này sẽ tiết kiệm nhân lực, thời gian và thu gom khối lượng lớn, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho TP. Bên cạnh đó còn tạo hình ảnh đẹp hơn trên sông so với cách vớt rác truyền thống." - ông Hải nói.
Về những khó khăn hiện tại, ông Hải cho biết thêm ngoài những loại rác trôi nổi và lục bình thì có các loại rác kích thước lớn như chăn, nệm, bàn, ghế gây khó khăn trong quá trình vớt rác. Ngoài ra, bờ sông không thẳng và bằng phẳng nên việc tiếp cận của máy cũng gặp khó khăn.
Ông Hải cho biết thêm, hệ thống vớt rác bao gồm năm thiết bị, trong đó có hai thiết bị được nhập khẩu từ Mỹ và ba thiết bị do đội ngũ kỹ sư của Việt Nam nghiên cứu chế tạo. Sau thời gian thí điểm, Sở GTVT sẽ báo cáo UBND thành phố nhân rộng trên địa bàn. Song song đó, đơn vị cũng đang xây dựng định mức đơn giá phù hợp công tác quản lý sau này.
Thí điểm vớt rác bằng công nghệ mới Trước đó, ngày 9-10-2020, Sở GTVT TP.HCM tổ chức buổi thí điểm thực hiện công tác vớt, thu gom rác trên sông Vàm Thuật - Bến Cát sử dụng thiết bị hiện đại với công nghệ mới. Thiết bị này do Công Ty Cổ phần Công Trình Giao Thông Sài Gòn đề xuất sử dụng theo tinh thần cuộc vận động "người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước". |