Cận cảnh thiết bị vớt rác hiện đại tiền tỉ

Sáng 9-10 sở GTVT TP.HCM tổ chức buổi thí điểm thực hiện công tác vớt, thu gom rác trên sông Vàm Thuật - Bến Cát sử dụng thiết bị hiện đại với công nghệ mới.

Thiết bị này do Công Ty Cổ phần Công Trình Giao Thông Sài Gòn đề xuất sử dụng theo tinh thần cuộc vận động "người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước".

Bộ thiết bị hiện đại vớt rác trên kênh. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Ông Hà Thanh Sơn, trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy-Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP từng thực hiện vớt rác trên nhiều tuyến kênh. Tuy nhiên, những giải pháp vớt rác trước đây chủ yếu mang tính thủ công, thiết bị chưa tương thích nên chưa thu gom hết hoàn toàn lượng rác trên sông.

Vì vậy, vừa qua Công Ty Cổ phần Công Trình Giao Thông Sài Gòn đã nghiên cứu, đầu tư thiết bị vớt rác với công nghệ mới để tăng hiệu quả công việc.

“Qua đánh giá sơ bộ, giải pháp này vớt được lượng rác lớn, kể cả rong, lục bình và rác ven bờ, đảm bảo vệ sinh môi trường cho các sông rạch trên địa bàn.

Trước mắt, Sở GTVT sẽ tham mưu, trình UBND TP.HCM cho thí điểm thiết bị trong tháng 11 và 12. Sau đó sẽ xây dựng định mức, đơn giá để TP ban hành, triển khai chính thức trong năm 2021” - ông Sơn cho biết thêm.

Theo đại diện Công Ty Cổ phần Công Trình Giao Thông Sài Gòn, bộ thiết bị vớt rác bao gồm năm thiết bị, trong đó bao gồm hai thiết bị được nhập khẩu từ Mỹ và ba thiết bị do đội ngũ kỹ sư của Việt Nam phát triển.

“Công suất trung bình của bộ thiết bị này có thể vớt trên 40 tấn cho một ca làm việc trong ngày. Sau thời gian thí điểm chúng tôi sẽ có đánh giá và điều chỉnh nhằm đạt được sự tối ưu, linh động. Mục tiêu là để thiết bị này có thể vớt được cả rác trên sông lớn cũng như rác trôi nổi trên các sông và rạch nhỏ” - vị đại diện này chia sẻ thêm.

Việc đầu tư thiết bị hiện đại để vớt rác trên các tuyến kênh được nhiều người dân ủng hộ. Với thiết bị này, nhiều người dân cho rằng lượng rác trên các tuyến kênh sẽ được làm sạch một cách đáng kể, từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế được ngập úng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm