UBND TP.HCM vừa giao các cơ quan chức năng và UBND các quận, huyện đẩy mạnh hơn nữa việc đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường tại các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.
Theo các chuyên gia, TP.HCM có thể phát triển du lịch một cách mạnh mẽ nhờ lợi thế về hệ thống kênh, rạch dày đặc.
Du lịch sẽ phát triển nhờ hệ thống kênh, rạch
Theo ghi nhận của PV, TP.HCM đang tích cực triển khai nạo vét, cải tạo, hồi phục nhiều tuyến kênh, rạch. Việc này nhằm góp phần chống ngập nước, cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị, phát triển du lịch đường thủy…
GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), cho rằng TP.HCM có nhiều sông nhỏ và kênh, rạch, rất thích hợp để phát triển du lịch đường thủy.
Tuy nhiên, để du lịch đường thủy phát triển, điều trước tiên TP cần làm là đầu tư cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến kênh, rạch.
Theo ông Bá, hiện nay du lịch đường thủy ở TP.HCM chưa thực sự bứt phá là vì các tuyến sông, kênh, rạch đa phần bị ô nhiễm. Một phần nguyên nhân là do ý thức tự giác về bảo vệ môi trường của người dân chưa cao.
“Ngoài ra, cảnh quan hai bên bờ sông, kênh, rạch chưa được đầu tư nên chưa tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch” - GS Lê Huy Bá nhận định.
Đại diện Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết: Để không còn tình trạng xả rác xuống dòng kênh gây ô nhiễm, quan trọng nhất là tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc không xả rác, bảo vệ môi trường.
Công nhân vớt rác, lục bình trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: CHÂU NGUYÊN
Nhiều con kênh được nạo vét, cải tạo
Theo đại diện Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở GTVT TP.HCM: Nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP đã, đang và sẽ được đầu tư khơi thông dòng chảy nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, mang lại vẻ đẹp mỹ quan đô thị.
UBND TP.HCM giao Sở Du lịch tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp quản lý, khai thác điểm du lịch trên địa bàn TP thực hiện quản lý rác thải phát sinh tại các điểm du lịch. Đồng thời, các đơn vị chức năng cần vận động khách du lịch bỏ rác thải đúng nơi quy định, không bỏ rác bừa bãi ở điểm du lịch và xuống sông, kênh, rạch. |
Hiện phía trung tâm đang tiến hành nạo vét ở hai tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát và Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đối với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong quý III năm nay sẽ hoàn thành việc nạo vét, còn kênh Tham Lương - Bến Cát sẽ xong trong quý IV-2020.
Một trong những quận có hệ thống sông ngòi dày đặc nhất ở TP.HCM là quận 12. Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết hiện nay phía quận được TP đầu tư cải tạo nhiều tuyến kênh, rạch. Điều này giúp quận thay đổi diện mạo, mỹ quan đô thị, đặc biệt là góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc bảo vệ môi trường.
Ông Phúc cho hay: Theo nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 12, trong giai đoạn năm năm tới đây, tất cả tuyến kênh, rạch trên địa bàn quận đều được nâng cấp, cải tạo. “Đây sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch cho cả TP” - ông Phúc nói.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 12, hiện đơn vị được TP giao làm chủ đầu tư 18 công trình nạo vét, kiên cố và khơi thông dòng chảy trên địa bàn quận.
Đến nay quận đã tổ chức khởi công 9/18 tuyến, đã có bốn dự án cải tạo được hoàn thành, năm dự án khác sắp hoàn thành trong năm 2020.
Thành phố đã triển khai nhiều dự án giao thông thủy Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết TP sở hữu đến hơn 1.000 km đường sông. Có thể nói đây là lợi thế lớn để các đơn vị chức năng có thể khai thác, phát triển. Hiện TP đã triển khai nhiều dự án giao thông thủy giúp “chia lửa” cho đường bộ, đồng thời góp phần phát triển du lịch ở TP. Điển hình là tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Vũng Tàu, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi… Thời gian tới, TP sẽ khai thác tuyến buýt đường sông số 2. “Ngoài ra, sau khi hoàn thành các điểm kết nối giữa giao thông thủy và bộ thì các tuyến giao thông thủy sẽ thu hút hành khách hơn hiện nay” - ông An nhấn mạnh. |