Mẹ bỏ đi, cha không làm được giấy khai sinh cho con

Đây là hoàn cảnh hiện tại của đứa cháu nội bà Nguyễn Thị Nga, khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương.

Chỉ để lại mỗi giấy chứng sinh

Theo bà Nga, đầu năm 2013, đứa con trai của bà là Nguyễn Hồng Sang (sinh năm 1988) dẫn chị T. về nhà bà chung sống như vợ chồng. Dù cả hai người không tổ chức đám cưới nhưng hàng xóm ai cũng biết chuyện của con bà. Đến tháng 7-2014, chị T. sinh được một bé trai. Nuôi con được hai tháng, chị T. xin phép gia đình bà về An Giang làm giấy tờ xin việc làm và đi đến nay vẫn chưa thấy về. Sau nhiều lần liên lạc, hỏi thăm bạn bè nhưng không có tin tức gì của chị T.

Lúc đi chị T. mang theo tất cả giấy tờ và chỉ để lại giấy chứng sinh của đứa bé. Khi nuôi đứa bé được bảy tháng, bà Nga có đến UBND phường Thuận Giao để hỏi thủ tục làm giấy khai sinh cho cháu nhưng cán bộ phường yêu cầu phải có giấy chứng nhận kết hôn mới làm được. Thế là bà về nhà tiếp tục chờ chị T. về để làm giấy kết hôn với con bà. Chờ đến hai tháng sau vẫn không thấy về, bà Nga lại đến phường trình bày hoàn cảnh gia đình thì lúc này cán bộ phường yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm ADN để chứng minh cha con thì mới làm được. Tuy nhiên, do con bà không có tiền xét nghiệm nên cho đến nay đứa bé gần ba tuổi vẫn chưa đăng ký được giấy khai sinh.

“Tôi còn phải nuôi mẹ già, sức khỏe hai vợ chồng tôi cũng nay ốm mai đau. Thằng con tôi hằng ngày đi bốc hàng cho người ta, ngày làm ngày nghỉ, tiền lương cũng chỉ đủ để mua sữa cho con nó. Giờ mà bảo nó kiếm ra mấy triệu đồng để xét nghiệm ADN thì lấy đâu ra.  Khổ nhất là thằng cháu nội, sinh ra đã không có mẹ chăm sóc, lớn lên cũng chẳng làm giấy khai sinh được, không biết sau này nó có được học hành như bao đứa trẻ khác không” - bà Nga buồn bã nói.

Bà Nga và cháu nội đã gần ba tuổi vẫn chưa làm được giấy khai sinh. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Phường cũng gặp khó

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hội, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho biết trước đây phường có tiếp xúc với bà Nga về việc bà yêu cầu đăng ký khai sinh cho đứa cháu nội. Hoàn cảnh gia đình bà khó khăn thì phường cũng đã biết. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bà, cán bộ phường có hỏi ý kiến trên Phòng Tư pháp thì được hướng dẫn là phải xét nghiệm ADN bởi cha mẹ cháu bé không đăng ký kết hôn và hiện nay người mẹ đã bỏ đi.

Theo cách giải thích của cán bộ trên Phòng Tư pháp thì tại Điều 11 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp nêu chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con mà ở đây là kết quả xét nghiệm ADN. Nếu không xét nghiệm ADN thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. Tuy nhiên, trường hợp này do người mẹ bỏ đi, vì thế không thể có được văn bản cam đoan của người mẹ về việc đứa trẻ là con chung của hai người. Vì thế, trường hợp này cần phải xét nghiệm ADN mới làm thủ tục nhận cha cho con được.

“Phường rất chia sẻ với hoàn cảnh của bà Nga, khi hướng dẫn con bà xét nghiệm ADN phường có nói gia đình làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, phường sẽ xác nhận để con bà được miễn giảm tiền xét nghiệm. Quan điểm của phường là phường rất muốn linh động giải quyết cho người dân để mọi đứa trẻ sinh ra đều được hưởng quyền lợi nhưng cán bộ Phòng Tư pháp hướng dẫn như thế thì phường phải cân nhắc khi giải quyết. Sắp tới, phường sẽ gửi công văn xin ý kiến lên Sở Tư pháp đối với việc giải quyết trường hợp này” - ông Hội khẳng định.

Không cần phải xét nghiệm ADN

Theo Điều 11 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp, nếu không có những chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ con thì phải có văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người.

Còn tại Điều 13 của thông tư này hướng dẫn đăng ký nhận cha, mẹ, con bổ sung hộ tịch trong trường hợp đặc biệt đối với nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Như vậy, trong trường hợp cụ thể này có thể dựa theo Điều 13 để giải quyết, tức không cần phải có văn bản cam kết của người mẹ.

Tuy nhiên, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương chưa nhận được trường hợp nào cha đăng ký khai sinh cho con khi cha, mẹ không đăng ký kết hôn mà người mẹ đã bỏ đi. Nếu có trường hợp cụ thể thì cán bộ tư pháp sẽ đi xác minh và trên kết quả xác minh đó sẽ linh động giải quyết cho trẻ được đăng ký khai sinh theo họ cha, không cần xét nghiệm ADN.

Đồng thời để thống nhất trong việc hiểu và thực thi pháp luật, Sở sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư pháp đối với việc giải quyết những trường hợp tương tự sau này.

NGUYỄN ANH HOA,
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm