Chị Nguyễn Thị Minh Phương, đường Lê Lợi, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM, trình bày năm 2016 vợ chồng chị tổ chức đám cưới đông đủ họ hàng hai bên. Sau khi cưới xong, cả hai có đến phường hỏi về thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, việc đăng ký kết hôn chưa thực hiện được vì trước đây chồng chị đi xuất khẩu lao động nước ngoài nên chưa thể xác nhận độc thân khoảng thời gian đó. Thế là hai vợ chồng ở vậy, chờ khi nào có điều kiện sẽ đi xác nhận độc thân rồi mới đăng ký kết hôn.
Đầu tháng 3-2017, chị sinh một bé gái, chồng chị có đến liên hệ phường Hiệp Phú (quận 9), nơi chị đăng ký hộ khẩu để làm giấy khai sinh cho cháu bé. Đến phường hỏi, chồng chị được một cán bộ phường hướng dẫn: Do vợ chồng chị không có đăng ký kết hôn nên nếu muốn ghi tên cha vào giấy khai sinh của con thì cha và con chị phải làm xét nghiệm ADN để chứng minh mối quan hệ.
Chị Phương bên con gái hơn hai tháng tuổi chưa được đăng ký giấy khai sinh. Ảnh: N.HIỀN
“Hiện nay vợ chồng tôi đang ở chung với cha mẹ, lương tháng của cả hai cũng chỉ đủ chi tiêu trong gia đình. Thật sự, số tiền xét nghiệm ADN đối với vợ chồng tôi hiện giờ là rất lớn. Nếu không xét nghiệm thì con tôi không được mang họ cha, như vậy sẽ thiệt thòi cho đứa bé sau này. Ngoài ra, tôi cũng đi hỏi nhiều nơi thì được biết trường hợp tương tự của tôi ở một số phường khác, người cha chỉ cần viết cam kết, cung cấp một số chứng cứ, hình ảnh để chứng minh mối quan hệ vợ chồng, cha con thì vẫn được chấp nhận. Sau đó chồng tôi có đến trình bày lại với cán bộ phường Hiệp Phú nhưng cán bộ nói phải có xét nghiệm ADN mới làm được” - chị Phương bức xúc.
Trao đổi với PV về trường hợp của chị Phương, một cán bộ tư pháp phường Hiệp Phú cho biết: Do một ngày tiếp nhiều người dân nên không nhớ trường hợp này như thế nào. Tuy nhiên, theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16-11-2015 của Bộ Tư pháp thì tại khoản 1 Điều 11 quy định chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Mà văn bản của cơ quan y tế ở đây là xét nghiệm ADN. Vì thế phải có giấy xét nghiệm ADN mới giải quyết ghi tên cha trong giấy khai sinh của con đối với trường hợp cha mẹ không có đăng ký kết hôn.
PV đặt vấn đề: Cũng tại Điều 11 Thông tư số 15/2015 thì tại khoản 2 quy định “Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật…” . Như vậy, cán bộ phường không hướng dẫn người dân thực hiện theo khoản này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân?
Trả lời thắc mắc trên, ông Lê Hùng Phi, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú, quận 9, cho biết để giải quyết trường hợp cụ thể này thì người dân có thể đến liên hệ với phường để phường hướng dẫn thêm. Sau khi xem xét những chứng cứ chứng minh mối quan hệ thì phường sẽ giải quyết cho người dân theo đúng quy định pháp luật.