Mê Đê - sự mới mẻ cần thiết cho sân khấu TP.HCM

Rất lâu rồi sân khấu TP.HCM bị chìm trong những mảng màu sáng tạo cũ mòn. Cũ cả về hình thức dàn dựng lẫn những loại đề tài quen thuộc như kịch ma, kịch sinh hoạt, kịch đồng tính, kịch tâm lý xã hội.

Jadong cưới vợ mới phụ rẫy Medea đã gây nên những hận thù trong Mê Đê. Ảnh: HÒA BÌNH

Ngay cả đến những vở diễn gọi là thể nghiệm cũng quẩn quanh hơn 10 năm trời ở những hình thức quen thuộc là kết hợp nhiều loại hình tuồng, chèo, hát bội, cải lương, kịch nói, xiếc, múa… vào với nhau trong hình thức thể hiện.

Trong cái sự cũ mòn đó, vở kịch Medea của Trường ĐH Sân khấu-điện ảnh đã xuất hiện tạo làn gió mới mẻ cho sân khấu TP.HCM, đem lại hào hứng cho người xem. Vở kịch được kỳ vọng là gương mặt xứng đáng của sân khấu TP.HCM tham gia “Liên hoan quốc tế sân khấu thể nghiệm” đang diễn ra tại Hà Nội đến hết ngày 19-11.

Medea (Mê Đê) là bi kịch cổ đại Hy Lạp được viết lại từ truyện cổ của kịch tác gia lừng danh Euripides, hơn 400 năm trước Công nguyên. Mê Đê kể chuyện nàng công chúa Mê Đê con một vị vua có bộ lông cừu vàng quý giá có sức mạnh hộ vệ đất nước. Với pháp thuật của mình, Mê Đê đã giúp chàng dũng sĩ Jadong, bị chú cướp ngôi rồi bắt đi cướp tấm lông cừu vàng, chiếm đoạt tấm da cừu của cha mình. Mê Đê trốn theo Jadong sang xứ khác, có với chàng hai người con… Tại đây, Jadong đã phản bội Mê Đê, cưới con gái vua sở tại. Mê Đê giận dữ, tẩm độc vào tấm lông cừu vàng giết chết hai cha con vị vua này, đồng thời giết hai con mình để trả thù chồng, khiến chồng đau khổ.  

Medea là một kiệt tác sân khấu không xa lạ với sân khấu thế giới hàng mấy trăm năm qua hay sân khấu hiện đại trong nước. Song ở lần xuất hiện này nó mới vì được soạn lại lời mới bởi nhà biên kịch Lê Chí Trung. Cách diễn giải vở kịch có ngôn ngữ cổ xưa đã được Lê Chí Trung làm cho gần gũi với hôm nay hơn, bớt rối rắm, dễ tiếp nhận hơn với người hôm nay mà vẫn không làm mất đi dáng dấp cổ. Nó còn mới ở chỗ Lê Chí Trung đã thay đổi chi tiết Mê Đê giết con để trả thù chồng thành bà giết con vì không muốn con bị kẻ thù sát hại. Câu chuyện diễn ra trên sân khấu độc đáo với sàn diễn trống trơn, không cảnh trí, không phông màn và cũng không nhạc đệm. Gần như vở có bao nhiêu diễn viên thì họ luôn hiện diện trên sân khấu bấy nhiêu người suốt vở diễn để lấp đầy chỗ trống do cảnh trí, âm nhạc đã để khuyết.

Đến lớp diễn của nhân vật nào, nhân vật ấy bước ra vị trí trung tâm để diễn. Các nhân vật còn lại lùi vào ngồi hai bên trên những chiếc bục vuông là những chiếc trống để gõ những âm thanh phụ trợ cho diễn viên, rất độc đáo và hiện đại. Họ cũng linh hoạt khi thì đóng vai này, khi thì đóng vai khác với những bộ trang phục tối giản nhưng vẫn đúng nhân vật, đúng chất cổ đại.

Vậy nên có lúc sân khấu dung chứa được cả ba không gian ở hậu cung vợ mới của Jadong, ở nhà Mê Đê và cảnh trước cung điện. Các nghệ sĩ hầu hết là những giảng viên của Trường ĐH Sân khấu-điện ảnh TP.HCM đã có những vai diễn đầy đặn cuốn hút.

Mê Đê đem lại niềm tin rằng sân khấu thiên về giải trí ở TP.HCM vẫn có chỗ dung chứa cho những tác phẩm sân khấu kinh điển. Nó cũng chứng minh rằng bất chấp sự thiếu hụt về tài chính, lạc hậu về trang thiết bị, sân khấu TP.HCM vẫn có những tác phẩm nghệ thuật đáng giá và cuốn hút. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm