Tại vòng chung kết, 13 tiết mục hát, đàn và múa thuộc thể loại âm nhạc dân tộc đã được chính các em học sinh cấp THCS trên địa bàn quận 12 thể hiện một cách bài bản.
Các tiết mục đều được đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, dụng cụ và luyện tập công phu. Trong đó có những tiết mục hát đơn ca của các "ca sĩ nhí" rất ngọt ngào, sâu lắng khiến mọi người và ban giám khảo vô cùng bất ngờ.
Một tiết mục múa được dàn dựng công phu
Tiết mục múa mang âm hưởng Tây Nguyên
Chiến thắng Điện Biên được các em dàn dựng công phu
Chương trình tổ chức đồng thời với triển lãm mỹ thuật. Hàng chục tranh vẽ nghệ thuật của các em học sinh được lọt vào chung khảo, tất cả đều mang âm hưởng và màu sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh những tiết mục văn nghệ được biểu diễn trực tiếp, xung quanh sân trường còn có 11 gian hàng triển lãm mỹ thuật và các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc như nhảy sạp, uống rượu cần, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thời trang các dân tộc, tranh vẽ, vật dụng sinh hoạt...
Uống rượu cần tại gian hàng mang đậm văn hóa dân tộc ở Tây Nguyên
Cô "thiếu nữ" xinh xắn với nhạc cụ dân tộc
Nhộn nhịp ở gian hàng đậm nét văn hóa vùng cao Tây Bắc
Tất cả đều được đầu tư công phu
Bếp nướng khoai, bắp của đồng bào vùng cao
Một không khí nhộn nhịp rất Tây Nguyên được các em HS tái hiện chân thật tại buổi liên hoan
Nhảy sạp được thu hút mọi người nhất với đủ loại hình trang phục
Giới thiệu các sản phẩm mỹ thuật do các em HS thực hiện
Một gian trưng bày các sản phẩm mỹ thuật
Bà Phạm Thùy Liêm, đại diện Phòng GD&ĐT quận 12, cho biết hoạt động này được phòng triển khai từ đầu năm học 2015-2016, vừa tạo sân chơi, phát hiện tài năng, vừa giáo dục nét đẹp văn hóa dân tộc cho các em.
Cuộc thi đã thu hút đông đảo sự tham gia của nhà trường và các em học sinh với những sản phẩm, tiết mục dự thi chất lượng. Ban tổ chức đã sàng lọc và chọn ra các tác phẩm tiêu biểu nhất vào chung khảo. Theo bà Liêm, không chỉ ở THCS, phòng đã triển khai chủ đề này cho cả ở cấp tiểu học từ nhiều năm nay.
Nói về hoạt động ý nghĩa này, ông Bùi Anh Tôn, thành viên ban giám khảo đến từ Sở GD&ĐT TP.HCM, đánh giá cao cách làm của quận 12. Ông cho biết đây là quận đi đầu của TP trong việc đổi mới phương pháp để đưa âm nhạc dân tộc vào trường học. Các tiết mục múa hát cũng như sản phẩm mỹ thuật ở vòng chung khảo được đầu tư rất công phu, tỉ mỉ, đạt yêu cầu cao về tính thẩm mỹ.
“Một số tiết mục tiêu biểu từ hội thi này sẽ được Sở mời biểu diễn để 24 quận, huyện thưởng thức và học tập. Từ cách làm của quận 12 sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn để Sở xây dựng, hoàn thiện và triển khai đề án đưa âm nhạc dân tộc vào trường học trong thời gian tới” - ông Tôn nói.
Ở thể loại hát, giải nhất thuộc về Trường THCS Trần Quang Khải với tiết mục Cô đôi thượng ngàn, giải nhì là Trường THCS Nguyễn Huệ với tiết mục Đêm Gành Hào nhớ điệu Hoài Lang. Ở thể loại múa, giải nhất là múa mâm bài Lý cây bông của Trường THCS Nguyễn Huệ. Ở thể loại biểu diễn nhạc cụ, giải nhất là độc tấu sáo trúc bài Bèo dạt mây trôi của Trường THCS Nguyễn Trung Trực.
Về khối mỹ thuật, ở thể loại vẽ gốm giải nhất là tác phẩm uống rượu cần của em Võ Kim Ngân (lớp 8, THCS Nguyễn Ảnh Thủ). Thể loại vẽ sáp dầu, giải nhất là tác phẩm Trên lưng mẹ của em Lê Thị Thanh Trúc (lớp 9, THCS Trần Quang Khải). Và một số tác phẩm đạt giải cao khác. |