Liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỉ tại Phú Thọ, mới đây CQĐT đã có kết luận và chuyển hồ sơ cho VKS xem xét truy tố... Đáng chú ý trường hợp bị can Nguyễn Văn Dương (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CNC) được CQĐT đề nghị miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ...
Nguyễn Văn Dương khai đã cho ông Phan Văn Vĩnh nhiều tỉ đồng.
Nhiều bạn đọc thắc mắc theo quy định của pháp luật hiện hành khi nào được miễn trách nhiệm hình sự đối với tội đưa hối lộ.
Theo luật hình, đưa hối lộ là hành vi người phạm tội sử dụng tài sản hoặc lợi ích vật chất nào đó tác động vào hành vi của người có chức vụ, quyền hạn để hành vi của người có chức vụ, quyền hạn diễn ra theo cách mà người đưa hối lộ mong muốn.
Thực tế trước nay có rất nhiều trường hợp người đưa hối lộ ban đầu (do bị ép buộc hoặc không bị ép buộc) thực hiện việc đưa hối lộ. Nhưng sau đó nhận thức việc làm của mình là không đúng pháp luật nên tự nguyện dừng hành vi đưa hối lộ và tố cáo cho cơ quan chức năng.
Để khuyến khích việc tố giác tội phạm, đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của những người có chức vụ, quyền hạn, BLHS quy định hai trường hợp mặc dù đã thực hiện việc đưa hối lộ nhưng không bị coi là có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, người bị ép buộc đưa hối lộ. Người đưa hối lộ đã thực hiện việc đưa hối lộ nhưng sau đó trình báo chính quyền trước khi sự việc bị phát giác. Trong trường hợp này, BLHS không coi việc đưa hối lộ là hành vi phạm tội và tài sản được sử dụng trong việc đưa hối lộ được trả lại cho người đã tố giác.
Thứ hai, người đưa hối lộ không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi sự việc đưa hối lộ bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự, tài sản sử dụng vào việc đưa hối lộ được trả lại một phần hoặc toàn bộ. Đối với trường hợp thứ hai này, việc có xử lý hình sự hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô, tính chất phạm tội, hậu quả… Do vậy, điều luật chỉ quy định “có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Luật sư Vũ Phi Long, Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Phó Chánh Toà Hình sự TAND TP.HCM, nêu quan điểm: trong vụ án đường dây đánh bạc trên, của hối lộ là đặc biệt lớn (Kết luận của CQĐT thì đưa ông Phan Văn Vĩnh một đồng hồ trị giá 57.000 USD, 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD; ông Nguyễn Thanh Hoá 22 tỉ đồng-PV). Trong trường hợp này đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi đưa hối lộ cho bị can Dương là không thoả đáng và trái pháp luật. Theo ông Long dứt khoát phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi trước nhất không thoả các quy định được xem xét miễn trách nhiệm hình sự theo luật. Hành vi đưa nhận hối lộ trong trường hợp này là đặc biệt nghiêm trọng. Và tội đưa, nhận hối lộ được liệt kê trong các tội danh về tham nhũng. Trong bối cảnh việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong cả nước đang diễn ra quyết liệt thì hành vi đưa hối lộ như trên cần phải bị xử lý nghiêm...
Còn theo luật sư Phạm Công Hùng cùng Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, thì cho rằng cần xem xét đối chiếu cẩn trọng căn cứ CQĐT dựa vào đề nghị việc trên.
Theo ông Hùng, theo BLHS mới tại khoản 7 Điều 364 BLHS quy định về tội đưa hối lộ có nêu "Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
"Cạnh đó theo điểm c khoản 2 Điều 29 BLHS mới "Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận" có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Vì vậy, cần có hồ sơ, đánh giá toàn diện mới có thể biết việc đề nghị của CQĐT có chính xác không. Ông cho rằng nếu CQĐT áp dụng đúng tinh thần pháp luật của BLHS mới là điều đáng trân trọng và nó góp phần không nhỏ trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay. Người đưa hối lộ sẽ tích cực trong việc cùng cơ quan tố tụng đưa ra ánh sáng nhiều quan tham...
So với quy định tại Điều 25 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Điều 29 BLHS năm 2015 đã quy định về căn cứ miễn TNHS theo hướng chi tiết hơn và cụ thể hơn rất nhiều. Cụ thể, khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 quy định người phạm tội được miễn TNHS khi có một trong hai căn cứ sau: Thứ nhất là khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ hai là khi có quyết định đại xá. Như vậy, gặp hai trường hợp này, cơ quan tố tụng bắt buộc phải miễn TNHS cho người phạm tội. Khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 quy định người phạm tội có thể được miễn TNHS (không bắt buộc) khi có một trong ba căn cứ: Thứ nhất là khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ hai là khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa. Thứ ba là người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận. Một trường hợp khác mà cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể miễn TNHS được quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, đó là: Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS. |