Miền Trung, Tây Nguyên đang khẩn trương ứng phó lũ

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, từ đêm 15-10 đến nay đã xảy ra mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Hậu quả, một số nơi đã xảy ra ngập lụt cục bộ, sạt lở gây ảnh hưởng giao thông.

Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 17-10, mưa lũ đã khiến ba người chết và mất tích tại các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình và Quảng Trị. Để bảo đảm an toàn cho người dân, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành di dời 426 hộ dân, Quảng Nam 236 hộ dân, Quảng Bình 43 hộ dân trong vùng ngập lụt, vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Thủy điện xả lũ từ sáng 17-10, nhiều khu vực tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị ngập sâu, giao thông chia cắt. Ảnh: THANH NHẬT

Mưa lũ cũng làm sáu vị trí đường giao thông địa phương tại Hòa Bình, Hà Tĩnh bị sạt lở; làm hàng chục điểm đường quốc lộ, đường giao thông địa phương tại Nghệ An, Quảng Bình, Đắk Lắk bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố.

Về nông nghiệp, gần 1.000 ha cây lương thực tại Đắk Lắk bị ngập, cuốn trôi.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay (18-10), do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên khu vực từ phía nam Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.

Đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Thủy điện xả , nhiều nơi ở Quảng Nam ngập sâu

Ngày 17-10, các thủy điện ở Quảng Nam đồng loạt xả lũ, nước sông Vu Gia dâng lên nhanh khiến các tuyến đường, nhà dân trên địa bàn huyện Đại Lộc ngập sâu trong nước.

Tại xã Đại An, đường dẫn vào thôn Hóa Phú bị ngập 0,5-1 m, nước mấp mé trước hiên nhà, nhiều người hối hả dọn đồ đạc lên cao đề phòng nước tiếp tục dâng để bảo vệ tài sản.

Bà NTH (ngụ thôn Hóa Phú) cho biết buổi sáng nước lên khá chậm, chưa ảnh hưởng nhiều. Nhưng đến khoảng 13 giờ, các thủy điện xả lũ khiến nước lên nhanh, chỉ vài giờ đã tràn vào sát nhà.

“Nước lên quá nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã ngập rồi. Hai vợ chồng tôi cùng nhau dọn dẹp đồ đạc lên cao đề phòng nước tiếp tục dâng” - bà H nói.

Tại xã Đại Lãnh, nước dâng khiến khoảng 1.500 hộ dân bị ngập sâu. Lãnh đạo xã đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi khô ráo. Tuyến đường ĐT609 đoạn giáp ranh giữa xã Đại Lãnh và xã Đại Đồng nước ngập sâu khoảng 2 m, lực lượng chức năng túc trực đề phòng người dân đi qua.

Tương tự, tại xã Đại Đồng, nước dâng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của người dân ngập trong nước, giao thông một số đoạn bị chia cắt.

Anh HV (ngụ huyện Đại Lộc) cho biết chỉ trong vòng chưa đầy 4 giờ đồng hồ, nước dâng cao lên đến 2 m khiến nhiều tuyến đường, nhà người dân ngập sâu trong nước. Nước dâng cao khiến quán của anh bị ngập. “Đến cuối giờ chiều, nước bắt đầu chững lại, xuống chậm. Nhiều khả năng nước đang rút” - anh V nhận định.

Ngoài các khu vực kể trên, nhiều nơi như thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Hương… cũng bị ngập sâu. Chiều nay, các phương tiện không thể di chuyển do tuyến đường vào thị trấn bị ngập sâu.

Theo số liệu thống kê lúc 16 giờ, các thủy điện A Vương, Đak Mi 4, Sông Bung 4 xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 3.044 m3/giây, lúc 17 giờ là 2.461 m3/giây. Liên tục từ 8 giờ ngày 17-10, các thủy điện trên xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng trung bình khoảng 4.000 m3/giây. Đỉnh điểm, lúc 11 giờ, mực nước xả lên đến 5.075 m3/giây.

Tại khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to. Mưa lớn khiến lũ trên các sông lên cao, nhiều khu vực bị ngập lụt, chia cắt.•

 

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tập trung ứng phó lũ

Trước tình hình trên, ngày 17-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký công điện của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định, các tỉnh Tây Nguyên; các bộ, ngành liên quan tập trung ứng phó với mưa lũ.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Đặc biệt, rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp, trũng, ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020. Đồng thời, bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị thiếu đói, rét.

Các tỉnh tổ chức thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ, hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Thủ tướng giao Bộ TN&MT tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để các cơ quan có liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Các bộ Công an, Quốc phòng, NN&PTNT, Công Thương, GTVT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan báo chí truyền thông tập trung ứng phó với mưa lũ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại.Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động, bất ngờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm