Miếng xương nhỏ gây hậu quả lớn

BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu “Đặc điểm dị vật đường ăn”. Nghiên cứu cho thấy vẫn còn nhiều bệnh nhân tự xử lý dị vật theo kiểu dân gian, truyền miệng khiến dị vật đi sâu vào trong, khó lấy ra.

Tăm đâm sâu cổ họng vì nuốt trọng cơm

Ngày 19-5, tại BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đã gặp bệnh nhân NTL (55 tuổi, ở Bình Dương) trong tình trạng sưng cổ họng, nuốt đau.

Bà L. trình bày với bác sĩ: “Tôi có thói quen ngậm tăm bẻ nhỏ sau khi ăn cơm. Cách đây ba ngày, tôi vừa ngậm tăm vừa… uống nước, dè đâu nuốt luôn tăm. Cây tăm mắc ở cổ họng, tôi ráng nuốt trọng (không nhai) cơm nguội nhiều lần nhưng cây tăm không trôi xuống dạ dày. Hôm nay vì đau họng nhiều, khó ăn uống nên tôi phải tới bệnh viện”.

Sau khi nội soi họng cho bà L., BS Lê Thị Phương Trâm, Phó Trưởng khoa Tai mũi họng BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, ghi nhận cây tăm đã đâm sâu trong cổ họng nên lấy ra hơi khó. “Nếu bà L. đến bệnh viện sớm thì lấy cây tăm khỏi cổ họng rất dễ dàng. Nhiều người nghĩ nuốt trọng cơm, uống nhiều nước thì xương hoặc tăm sẽ trôi xuống dạ dày. Tuy nhiên, chẳng những xương, tăm không trôi xuống mà còn đâm sâu vào cổ họng khiến vùng họng bị phù nề, che khuất xương, tăm nên lấy ra khó. Nếu để lâu có nguy cơ viêm tấy, áp xe cổ họng” - BS Trâm nói.

 
BS Lê Thị Phương Trâm đang nội soi cổ họng bà L. (bệnh nhân nuốt cây tăm) vào sáng 19-5. Ảnh: TRẦN NGỌC

Càng móc đầu cá càng đi sâu trong thực quản

Theo BS Trâm, không ít trường hợp người mắc xương chữa mẹo bằng cách… nhờ người sinh ngược cào ngoài cổ để xương rớt ra (!). Chẳng những không hết mắc cổ mà dễ có nguy cơ bị áp xe họng.

Cách đây vài ngày, bệnh nhân TVH (60 tuổi ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng vùng họng bị phù nề, có hiện tượng áp xe… Ông H. cho biết đã nhờ một người sinh ngược cào cổ họng liên tục năm ngày với hy vọng miếng xương cá mắc ở cổ họng sẽ rớt ra ngoài. Thế nhưng miếng xương cứ mắc ở cổ họng, lâu quá nên bị sưng, đau rát. Phải tốn khá nhiều thời gian, bác sĩ mới lấy xương ra khỏi cổ họng ông H.

BS Trâm cho biết BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai cũng xử lý một trường hợp hi hữu do mắc nghẹn… đầu cá rô. Cách nay không lâu, bệnh nhân NTTM (40 tuổi ở TP Biên Hòa, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng thực quản có nguy cơ bị thủng, bị viêm tấy. Bà M. kể do vừa ăn cơm vừa la mắng đứa con nên bà nuốt cả đầu cá rô kho sả ớt. Do đầu cá vướng ở cổ họng, bà M. dùng ngón tay trỏ móc ra. “Ngặt nỗi do phản xạ tự nhiên nên mỗi khi ngón tay đụng đầu cá thì bà M. lại nuốt. Cứ vậy, đụng đầu cá càng nhiều thì bà M. càng nuốt nhiều khiến đầu cá đi sâu vào thực quản. Bệnh viện phải thực hiện gây mê, mổ nội soi để lấy đầu cá. Chỉ trễ một ngày, đầu cá có thể gây thủng thực quản hoặc viêm tấy thực quản, áp xe thực quản, mưng mủ, dễ bị tử vong” - BS Trâm cho biết.

Theo BS Trâm, hiện nay nội soi thực quản ống mềm có thể lấy dị vật trong thực quản rất thuận lợi, bệnh nhân không phải chờ làm xét nghiệm tiền phẫu, không cần đến phòng mổ nhưng phải nhịn ăn. Bên cạnh đó, phương pháp soi họng thanh quản bằng ống nội soi cứng có thể giải quyết nhiều trường hợp dị vật nhỏ ở hốc amiđan và các dị vật ở đáy lưỡi-rãnh lưỡi thanh thiệt. Do vậy cần triển khai các kỹ thuật nói trên tại những cơ sở y tế để giải quyết nhanh các trường hợp dị vật đường ăn. Bệnh nhân khi mắc dị vật ở cổ họng, thực quản dễ nguy hiểm tới tính mạng.

TRẦN NGỌC

 

Hơn 40% tự xử lý xương, dị vật mắc cổ họng

Đề tài nghiên cứu “Đặc điểm dị vật đường ăn” do BS Lê Thị Phương Trâm và BS Nguyễn Hoài Sơn (khoa Tai mũi họng BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai) thực hiện từ tháng 8-2012 đến tháng 6-2013 trên 106 bệnh nhân.

Theo BS Trâm, dị vật đường ăn là cấp cứu thường gặp trong chuyên khoa tai mũi họng ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Dị vật bao gồm xương động vật các loại, răng giả, viên thuốc còn vỏ nhựa… Trong đó dị vật do xương cá chiếm hơn 81%; xương gà, vịt, heo trên 13%; thịt bò gần 1% (do lớn tuổi, không còn răng để nhai, nuốt trọng miếng thịt bò nên bị vướng ở thực quản); viên thuốc còn vỏ gần 3%; răng giả gần 2%. “Hơn 40% trường hợp tự xử lý xương, dị vật mắc ở cổ họng. Cụ thể, trên 25% cố nuốt thức ăn mong tống dị vật xuống dạ dày, gần 11% cố móc họng để lấy dị vật ra, hơn 4% nhờ người sinh ngược cào vào cổ họng. Tuy nhiên, đa số trường hợp tự xử lý khiến dị vật vướng ở vị trí sâu hơn hoặc xuyên sâu trong cổ họng, thực quản, gây phức tạp việc điều trị và có thể xảy ra các biến chứng nặng nề, ảnh hưởng tính mạng” - BS Trâm lưu ý.

Nghiên cứu còn cho thấy hơn 78% trường hợp mắc dị vật rơi vào độ tuổi 19-60. Đây là nhóm trong độ tuổi lao động, thường tranh thủ thời gian ăn cơm để còn nghỉ ngơi nên dễ bị mắc xương, dị vật. “Khi mắc dị vật nên đến bệnh viện ngay để được xử lý càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy gần 35% trường hợp đến bệnh viện sau 1-5 ngày mắc dị vật. Do đến bệnh viện trễ nên hơn 14% trường hợp không ăn uống được, gần 4% trường hợp nôn và sốt (biểu hiện của áp xe cổ họng và áp xe thực quản), trên 11% ứ nước bọt ở xoang lê (quá đau nên không nuốt nước bọt được)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới