Ngày 29-11, có mặt tại mố neo phía Đông cầu Thuận Phước, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, PV Pháp Luật TP.HCM ghi nhận tình trạng xói lở đang diễn ra ngay khu vực này.
Theo quan sát, một khối bê tông xung quanh chân mố neo này vỡ nát theo từng đợt sóng. Việc này tạo ra phần rỗng ngay phía dưới khiến nhiều người lo lắng mố neo gặp vấn đề về chịu lực. Tại mố neo phía Tây thuộc quận Hải Châu, việc xói lở không diễn ra.
Chân mố neo phía Đông cầu Thuận Phước với các mảng bê tông bao quanh bị xói lở. Ảnh: TẤN VIỆT
Nhìn bằng mắt thường việc xói lở do sóng đánh vào mố cầu hổng hoác trông rất đáng sợ. Có cảm giác như trụ cầu đang rỗng ruột trôi lơ lửng giữa mặt nước vịnh Đà Nẵng. Đặc biệt là những thanh sắt ở mố cầu lòi ra ngoài.
Mảng bê tông bị xói lở để lộ ra khoảng trống so với mặt nước. Ảnh: TẤN VIỆT
Trao đổi với PV, ông Võ Thành Được, Giám đốc Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng, trấn an: Việc này là bình thường và không ảnh hưởng đến kết cấu.
Việc xói lở diễn ra xung quanh chân mố neo, cách bờ Đông sông Hàn khoảng 30 m. Ảnh: TẤN VIỆT
Theo lãnh đạo công ty này, thiết kế trụ mố neo có một đoạn dài ra 5,7 m. Trước đây đoạn đất đắp phục vụ thi công lâu ngày lòi ra, nước chảy làm sạt thôi chứ đúng theo bản vẽ.
Một đoạn xói lở lộ ra cả một thanh sắt trông rất đáng lo. Ảnh: TẤN VIỆT
“Phần trụ từ dưới đáy lên 37 m rồi trên đấy là mố neo. Cái này bình thường thôi chứ có vấn đề gì đâu. Phần mố neo theo thiết kế là phần trụ từ dưới lên mặt nước, rồi phần mố neo nổi ở trên dịch vào phía trong 5,7 m. Cái này không gọi là xói lở, rất bình thường” - một lãnh đạo khác của Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng khẳng định.
Nước chảy mạnh ra vịnh Đà Nẵng đang bào mòn phần bê tông này. Ảnh: TẤN VIỆT
Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng vào ngày 16-1-2003 với vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, do TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách.
Phần đất đắp phục vụ thi công trước đây không được thu dọn và đang bị cuốn trôi. Ảnh: TẤN VIỆT
Cầu thông xe kỹ thuật ngày 25-3-2009 và khánh thành ngày 19-7-2009. Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng bắc qua hai bờ sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng, nối đường Nguyễn Tất Thành với cầu Mân Quang, giữa hai quận Hải Châu và Sơn Trà.
Theo kết cấu cầu dây võng thì hai mố neo là nơi chịu lực chính. Ảnh: TẤN VIỆT
Trước đó, sau khi đưa vào sử dụng được vài năm, báo chí cũng đồng loạt lên tiếng về việc thảm nhựa mặt cầu Thuận Phước có vấn đề khi mặt nền xuống cấp nghiêm trọng. Nền cầu xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Ngoài ra có những vết nứt ở trụ cầu kéo dây văng cũng khiến nhiều người lo ngại.
Mố neo khổng lồ níu dây võng trên cầu Thuận Phước. Lãnh đạo Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng khẳng định việc xói lở chân mố neo không ảnh hưởng đến an toàn của cây cầu. Ảnh: TẤN VIỆT