Nhiều nhà kinh doanh, chuyên gia đều thống nhất cho rằng đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia nhận diện rõ hơn nguy cơ các chuỗi cung ứng của họ quá lệ thuộc vào Trung Quốc (TQ) và dần rút khỏi thị trường này. Hàng loạt doanh nghiệp (DN) Việt cũng lao đao vì phụ thuộc cả đầu vào lẫn đầu ra vào thị trường duy nhất là TQ, do vậy đã đến lúc cần tìm cách giảm lệ thuộc vào thị trường này thông qua khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại.
TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR):
Còn nhiều điểm yếu cần khắc phục
Đúng là cần phải giảm sự lệ thuộc vào thị trường TQ nhưng thực tế cho thấy quá trình thực hiện thì không dễ dàng. Không chỉ Việt Nam (VN) mà kể cả Mỹ, châu Âu hay Nhật cũng mong muốn như thế nhưng chưa thực hiện được nhiều. Bởi TQ đã chuyên môn hóa trong hàng chục năm nay, trở thành công xưởng lớn của thế giới nên nếu muốn thay đổi thì cũng rất khó tìm được các nguồn thay thế ngay lập tức.
Việc dịch chuyển của các công ty nước ngoài ra khỏi TQ đã diễn ra từ lâu nhưng được đẩy nhanh hơn khi xảy ra dịch bệnh. Trong quá trình đó, VN cũng được lợi. Song VN chỉ là một xưởng nhỏ trong thế giới đó, có thể được dự phần vào chuỗi đó nhưng không quá nhiều.
Các nhà kinh doanh VN cũng muốn dịch chuyển nguồn cung nguyên liệu, máy móc, thiết bị ra khỏi thị trường TQ để giảm sự lệ thuộc song không đơn giản. Điểm yếu lớn nhất của chúng ta là mấy chục năm nay chưa xây dựng được hệ thống công nghiệp phụ trợ hiệu quả mà lệ thuộc vào thị trường TQ. Đó là sự thật. Do đó, muốn giảm được phụ thuộc thì phải khắc phục được những điểm yếu này.
Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM:
Nếu biết khai thác, thị trường đầu ra không thiếu
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang mang lại nhiều lợi thế cho ngành dệt may VN, giúp nước ta có thể tăng tốc về giá trị kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA) khi chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế mới cho các DN VN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.
Do vậy, thị trường đầu ra không thiếu nhưng điều đáng lo nhất vẫn là tình trạng phụ thuộc nguyên vật liệu từ TQ, vì các hiệp định có ràng buộc về vấn đề nguồn gốc, xuất xứ. Chẳng hạn, EVFTA yêu cầu các loại vải được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ từ VN, châu Âu hay Hàn Quốc (quốc gia có FTA với châu Âu) và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại VN.
Đến nay VN đã có một số công ty đầu tư bài bản chuỗi giá trị khép kín từ nguyên liệu vải cho đến thành phẩm nhưng vẫn còn ít. Các công ty dệt may của VN có thể tận dụng EVFTA hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới của nước ta.
Để thoát được việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu TQ, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi DN thì Nhà nước cần phải là đầu tàu xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ mới tận dụng được các ưu đãi từ các FTA. Bên cạnh đó, để ngành dệt may có thể tìm được nhiều thị trường hơn, mở rộng đầu ra cần đầu tư nhiều vào các khâu thương hiệu, thiết kế, nguồn cung ứng nguyên liệu, cắt may cho đến marketing và phân phối. Trong đó, thiết kế là khâu quan trọng nhất, quyết định phần lớn giá trị gia tăng và sự tự chủ của DN ngành may.
Để giảm lệ thuộc thị trường TQ, DN Việt có thể xuất khẩu nhiều sản phẩm như trái cây, hạt điều, tiêu đen, gạo… vào Ấn Độ, EU. Trong ảnh: Khách nước ngoài đang tìm hiểu trái cây Việt. Ảnh: QH
TS JOHN WALSH, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế thuộc ĐH RMIT VN:
Phải đa dạng đối tác thương mại một cách mạnh mẽ
Đối với một nền kinh tế mở và tỉ trọng xuất nhập khẩu chiếm tỉ lệ rất cao trong GDP như VN, nếu gặp vấn đề sẽ gây ảnh hưởng ngay, đặc biệt là khi nền kinh tế có mối liên kết quan trọng nhưng thiếu bền vững với TQ.
Hay như việc xuất siêu cao và tăng liên tục sang thị trường Mỹ cũng có thể không bền vững. Nếu có thay đổi chính sách từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến ngành xuất khẩu của VN rơi vào tình trạng khó khăn, đặc biệt khi các DN địa phương chưa làm chủ được các khâu chính trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Do vậy, đây là lúc VN cần đa dạng hóa các đối tác thương mại một cách mạnh mẽ hơn và hiện đại hóa chính phủ mạnh mẽ hơn nữa. Từ đó nhằm giảm sự phụ thuộc vào một hoặc hai thị trường trọng điểm cả về nhập khẩu và xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro phải đối mặt.
Hiệp định EVFTA có thể mang ý nghĩa sống còn bên cạnh các thỏa thuận quốc tế khác như CPTPP. Các FTA thế hệ mới cũng sẽ mang lại cho VN cơ hội nâng cao vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu, vượt khỏi các lợi thế như chi phí lao động thấp hay nguồn lực nông nghiệp dồi dào, để hướng tới việc chuyển giao công nghệ và tận dụng kỹ năng của lực lượng lao động trẻ.
Sau bảy năm kể từ khi FTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hơn 99% số dòng thuế, tương đương hơn 99% kim ngạch xuất khẩu từ VN sang EU. Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm VN, đặc biệt là các sản phẩm thuộc ngành dệt may, giày dép, nông sản… sẽ được chắp thêm cánh.
Các DN VN cũng sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm tốt với giá rẻ từ EU và có thể sử dụng chúng trong các quy trình sản xuất của mình, từ đó cải thiện năng suất và lợi nhuận của hàng xuất khẩu VN.
Nhiều cơ hội chưa được khai thác Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho biết Ấn Độ là thị trường lớn với gần 1,4 tỉ dân. Nước này có tiềm năng tiêu thụ đa dạng các sản phẩm nông sản, thực phẩm thế mạnh của VN như trái cây tươi và chế biến, chè, hạt tiêu, cao su, bánh kẹo, cá tra, các sản phẩm từ ngũ cốc… Tuy nhiên, lượng và kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của VN từ Ấn Độ còn khiêm tốn so với sức mua rất lớn của Ấn Độ. Ông Phú cũng nhận định thời gian qua, người dân và DN Ấn Độ đã biết nhiều hơn đến các sản phẩm nông sản, thực phẩm đặc sản của VN. Đây là tín hiệu tốt để các công ty Việt có thể tận dụng tiến vào thị trường Ấn Độ. Chẳng hạn như cá ba sa Việt được nuôi theo tiêu chuẩn, có giá trị cạnh tranh cao nên được người tiêu dùng Ấn Độ ưa chuộng. Trái thanh long VN do ngon hơn thanh long của nhiều nước khác nên đã có mặt tại nhiều siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn, thậm chí ở những tiệc cưới sang trọng tại Ấn Độ. Cục Xúc tiến thương mại cũng cho hay đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng DN mở rộng thị trường. Đơn cử như kết nối với các đầu mối sản xuất, cung ứng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm phòng, chống dịch; tìm đầu ra cho nông sản trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường TQ gặp nhiều khó khăn. |
Giao thương trực tuyến doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ Hội nghị giao thương trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến thương mại giày dép VN-Mỹ hậu COVID-19” sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 30-5-2020. Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ tổ chức. Đây là sự kiện giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực giày dép của VN với thị trường Mỹ nhằm kết nối các nhà kinh doanh hai nước, góp phần hỗ trợ DN an toàn vượt qua đại dịch. Giày dép là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN. Riêng năm 2019, xuất khẩu giày dép đạt kim ngạch 18,3 tỉ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 6,65 tỉ USD, tăng 14,2%. Quý I-2020, Mỹ tiếp tục là thị trường số một nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của VN với kim ngạch đạt 1,56 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019. |