Vụ thảm sát diễn ra sau buổi tiệc sinh nhật tròn 18 tuổi của Tommaso Venturi, một trong 6 nạn nhân đã chết trên đường đến bệnh viện. 5 nạn nhân còn lại là Sebastiano Strangio (39 tuổi) - chủ nhà hàng Da Bruno, Francesco Giorgi (16 tuổi) - cháu trai của Strangio và các anh trai của Giorgi là: Francesco (22 tuổi), Marco Pergola (20 tuổi), Marco Marmo (25 tuổi). Họ đều đến từ Calabria, miền nam nước Ý. Báo Guardian dẫn lời các nhân viên điều tra cho biết, họ tìm thấy ít nhất 70 viên đạn được bắn ra và các nạn nhân đều không có vũ khí trong tay. Hiện cảnh sát đang cố truy tìm 2 nghi phạm mà một phụ nữ (nhân chứng duy nhất của vụ án) đã nhìn thấy. Cả hai đều là đàn ông, một người khoảng 15 tuổi và người kia khoảng 85 tuổi.
Các điều tra viên tin rằng đây là một vụ thanh toán giữa 2 băng nhóm mafia của Ý là Nirta-Strangio và Pelle-Romeo, thuộc tập đoàn tội phạm 'Ndrangheta xuất phát từ Calabria, vùng được gọi là "ngón chân nước Ý". Mối thù truyền kiếp giữa 2 gia đình mafia này đã kéo dài 16 năm qua, thường được báo chí Ý gọi là "mối thù San Luca". Các nạn nhân trong vụ thảm sát trên đều là người của gia đình Pelle-Romeo. "Mối thù San Luca" xuất phát từ việc các nhóm thanh niên của hai bên ném trứng thối vào nhau trong một lễ hội ở San Luca (Calabria) vào năm 1991. Các cuộc thanh toán ăn miếng trả miếng giữa 2 nhóm diễn ra từ đó đến năm 2000 đã làm 6 người chết. Tưởng chừâng mọi chuyện đã êm xuôi khi hai bên không còn xung đột trong một thời gian dài. Thế nhưng, vụ sát hại Maria Strangio - vợ của ông trùm Giovanni Nirta thuộc băng Nirta-Strangio vào Giáng sinh năm 2006, đã làm mối thù năm xưa bùng cháy trở lại.
Ông Luigi De Sena, một cảnh sát kỳ cựu của Ý nhận định, đây là vụ xung đột chưa có tiền lệ giữa 2 nhóm khi lần đầu diễn ra bên ngoài nước Ý. Nhà chức trách Ý cũng cho biết thêm, các nạn nhân đã rời khỏi Calabria để tránh xung đột nhưng vẫn không thể thoát được vụ thảm sát. Vụ thảm sát tại Duisburg xảy ra vào dịp Ascension Day (ngày Chúa bay lên trời) - như lời đáp trả cho vụ sát hại Maria Strangio vào ngày Giáng sinh. Cảnh sát cũng nghi ngờ mục đích của những tên sát nhân trong vụ này là tìm giết Marco Marmo, người được xem là thủ phạm trong vụ giết vợ của ông trùm Giovanni Nirta. Sau vụ xung đột mới nhất giữa 2 nhóm, giới chức trách Calabria hiện đang rất lo lắng về một cuộc trả đũa đẫm máu, mà nhiều khả năng sẽ xảy ra tại địa phương này.
"Gã khổng lồ" 'Ndrangheta
Mạng lưới mafia 'Ndrangheta hình thành tại Calabria từ thế kỷ 19, khét tiếng với các đường dây buôn lậu ma túy. 'Ndrangheta hiện có khoảng 7.000 thành viên và được chia ra dưới sự quản lý của khoảng 100 nhóm mafia gia đình. Nirta-Strangio và Pelle-Romeo nằm trong số đó. Tổ chức này chi phối toàn bộ đời sống tại Calabria. Nạn quan liêu tại nơi này đã dung túng cho sự bành trướng của 'Ndrangheta: 70% các công ty tại Calabria phải chịu sự bảo kê của 'Ndrangheta, trong khi 30% còn lại là các công ty của mạng lưới này. Các hoạt động xây dựng, kinh doanh tại đây đều nằm dưới sự "điều hành" của 'Ndrangheta, còn chính quyền địa phương thực chất chỉ là "bù nhìn".
Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ các nhà chức trách Ý cho biết, năm ngoái tổ chức mafia này đã kiếm được 35 tỉ euro từ các hoạt động phi pháp, trong đó có buôn ma túy, rửa tiền, buôn vũ khí và tống tiền. Năm 2004, theo điều tra của Chính phủ Ý, 'Ndrangheta đã kiếm được 22 tỉ euro chỉ tính riêng việc buôn ma túy, vượt qua cả các tổ chức mafia khét tiếng là Cosa Nostra và Naples Camorra của vùng Sicily để trở thành tổ chức mafia kiếm được nhiều tiền nhất nước Ý. Thậm chí các đường dây buôn bán ma túy của 'Ndrangheta cũng qua mặt các "tập đoàn ma túy" của Colombia. Hiện mạng lưới mafia này đã vươn "vòi bạch tuộc" ra khỏi nước Ý và xâm nhập mạnh mẽ vào Đức, Pháp, Nga và Mỹ.
Minh Quân <EM>(Theo TNO)</EM>