Mới: Phải chụp ảnh người dân ký văn bản trước mặt công chứng viên để lưu hồ sơ

(PLO)- Nhằm đảm bảo các quy định về việc ký công chứng, Luật Công chứng (sửa đổi) quy định về việc ghi lại bằng chứng chứng minh người yêu cầu công chứng ký văn bản trực tiếp dưới sự chứng kiến của công chứng viên.

Luật Công chứng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1-7-2025.

So với Luật Công chứng 2014, Luật mới đã bổ sung nhiều nội dung, trong đó có quy định liên quan đến việc ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng.

Luật Công chứng có nhiều quy định mới liên quan đến việc hành nghề của công chứng viên. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Chụp ảnh để lưu vào hồ sơ

Cụ thể, theo quy định mới (Điều 50), người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào từng trang của giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên, trừ trường hợp trường hợp người yêu cầu công chứng không ký được và không điểm chỉ được và trường hợp người có thẩm quyền giao kết giao dịch của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng.

Trường hợp này thì người đã đăng ký chữ ký mẫu có thể ký trước vào văn bản giao dịch; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong văn bản giao dịch với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.

Việc đăng ký chữ ký mẫu được thực hiện trực tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc bằng văn bản chính thức có chữ ký trực tiếp của người đăng ký và đóng dấu của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đó.

Ngoài ra, việc ký văn bản công chứng điện tử thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Đáng chú ý, Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung quy định việc ký văn bản công chứng trước sự chứng kiến của công chứng viên phải được chụp ảnh và lưu trữ trong hồ sơ công chứng.

Theo UBTVQH, một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ quy định về việc chụp ảnh nêu trên hoặc quy định việc chụp hình chỉ thực hiện khi công chứng ngoài trụ sở. Ý kiến khác đề nghị nên thí điểm với quy định này, bởi vì quy định này sẽ phát sinh thêm thủ tục không cần thiết, ảnh hưởng đến quyền bảo mật về hình ảnh cá nhân.

Giải trình vấn đề này, UBTVQH cho biết, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ tại văn bản số 777/CP-PL, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này để bảo đảm tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc quy trình, thủ tục công chứng, kể cả trường hợp được tiến hành trong hay ngoài trụ sở của Tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC); tránh tình trạng người yêu cầu công chứng có nhu cầu công chứng đến TCHNCC nhưng không thực hiện công chứng trước mặt công chứng viên mà do nhân viên của TCHNCC thực hiện, gây rủi ro trong công chứng giao dịch.

“Hơn nữa, các bản chụp này để lưu hồ sơ công chứng và theo quy định của dự thảo Luật là phải bảo mật nên sẽ không ảnh hưởng đến quyền hình ảnh của cá nhân người yêu cầu công chứng”, theo UBTVQH.

Khi nào thì điểm chỉ?

Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được.

Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng vân tay của ngón trỏ phải; nếu không sử dụng được vân tay của ngón trỏ phải thì sử dụng vân tay của ngón trỏ trái; trường hợp không thể sử dụng vân tay của hai ngón trỏ đó thì sử dụng vân tay của ngón khác và công chứng viên phải ghi rõ trong lời chứng việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng vân tay của ngón nào, của bàn tay nào để điểm chỉ.

Việc điểm chỉ có thể được thực hiện đồng thời với việc ký trong những trường hợp sau đây:

- Công chứng di chúc;

- Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;

- Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới