TRƯỜNG THPT CHÂU VĂN LIÊM, CẦN THƠ

Mời thầu xây mới nhưng vẫn chờ nghe dư luận

Khi phóng viên đặt vấn đề vì sao không tu bổ, nâng cấp và sửa chữa lại Trường THPT Châu Văn Liêm mà lại đập bỏ để xây mới hoàn toàn thì ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: “Từ năm 1987, phía Pháp đã gửi cảnh báo về việc trường hết thời hạn sử dụng nhưng do nhiều điều kiện nên đến nay mới thực hiện việc xây lại. Trước khi đưa ra phương án xây lại hoàn toàn trường mới, các ngành chức năng đã họp, tiến hành khảo sát, đánh giá, thẩm định kỹ càng chất lượng của công trình và kết quả cho thấy không thể duy tu, sửa chữa hay tôn tạo được nữa. Phía Pháp có đội ngũ chuyên gia có chuyên môn qua khảo sát và cũng đã đánh giá là trường không thể sửa chữa, tu bổ được”.

Nhiều tiếc nuối nhưng e ngại tính an toàn

Theo cô Trần Thị Lụa - Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, nhà trường đã họp với phụ huynh học sinh. Các ý kiến đều bày tỏ sự gắn bó với ngôi trường. Nhiều người tiếc nuối khi phải phá dỡ trường nhưng đều nhìn nhận là trường xuống cấp, gây nguy hiểm khi sử dụng nên đã tán đồng việc xây mới. “Mùa khô thì thầy và trò còn đỡ chứ vào mùa mưa rất nguy hiểm và nước đọng đổ dồn vào trường vì chung quanh trường cả bốn tuyến đường đều nâng cấp cao hơn nền sân trường” - cô Lụa nói.

Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cảm nhận dưới góc độ là cựu học sinh của trường: “Dù là học sinh cũ của trường nhưng tôi không vì ký ức đẹp mà quên đi trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho các thầy cô và học sinh hôm nay cũng như trong tương lai”.

Luật sư Trần Thanh Phong - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cũng là cựu học sinh của nhà trường bày tỏ: “Từng là học sinh của trường nên hỏi tôi có tiếc nuối không dĩ nhiên là có. Những ai đã từng gắn bó với ngôi trường này đều có ký ức đẹp và thiêng liêng...”.

Phối cảnh tổng thể Trường THPT Châu Văn Liêm xây mới.

Xây mới dựa theo kiến trúc trường cũ

Theo ông Trần Trọng Khiếm, việc đập bỏ và xây dựng mới Trường THPT Châu Văn Liêm là thực hiện quyết định phê duyệt của UBND TP và các thủ tục để đầu tư, xây dựng trường đều tuân thủ đúng các quy định. Hiện Sở đang tiến hành bán hồ sơ mời thầu, dự kiến tổng kinh phí xây dựng là 98 tỉ đồng. “Chọn nhà thầu sẽ thông qua đấu thầu rộng rãi và công khai. Trong quá trình này TP vẫn lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp. Dự kiến trong năm nay sẽ tiến hành khởi công, đến đầu năm 2017 sẽ hoàn tất công trình, tiến hành khánh thành vào đúng dịp 100 năm kỷ niệm thành lập trường”. Cũng theo ông Khiếm, trong thời gian xây dựng lại trường, thầy và trò nhà trường sẽ học tại Trường THPT An Khánh. Trường này đang thi công đến giữa tháng 8 năm nay sẽ khánh thành. Việc học tập của học sinh sẽ không bị gián đoạn và các em được đáp ứng đầy đủ về điều kiện phòng ốc, các phòng chức năng phục vụ giảng dạy và học tập.

Ông Trần Trọng Khiếm cũng cho biết khi xây mới, Trường THPT Châu Văn Liêm sẽ giữ lại khu hiệu bộ để giữ lại phần nào công trình kiến trúc xây dựng từ năm 1917. Còn các dãy phòng học sẽ xây lại trên hiện trạng, kiến trúc như trường cũ, quy mô vẫn là một trệt, một lầu. “Kiến trúc, quy mô phòng ốc và các dãy phòng học (44 phòng - PV) vẫn như cũ, chỉ có mới là xây lại trường mới với chất lượng đảm bảo” - ông Trần Trọng Khiếm nói.

Đồng ý kiến với ông Trần Trọng Khiếm, luật sư Phong này tỏ: “Ngày xưa khi người Pháp tiến hành xây trường và hình thành nên ngôi trường, họ đã tính toán rất khoa học việc bố trí không gian, phòng học, nơi sinh hoạt, phòng nghiên cứu, khu làm việc… Đến nay những bố cục, không gian ấy vẫn đảm bảo cho việc dạy học, sinh hoạt của thầy và trò. Do đó khi xây mới cần tôn trọng và xây như kiến trúc cũ với bố cục, phân khu làm việc, học tập như cũ”.

KTS Trần Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Cần Thơ:

Chỉ có thể trùng tu kiến trúc tường

Chung quanh việc phá bỏ để xây dựng mới theo y hệt kiến trúc, quy mô cũ hay tiến hành tham vấn, khảo sát tìm cách trùng tu Trường THPT Châu Văn Liêm, PV báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với KTS Trần Trí Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Cần Thơ.

. Ông đã cùng một số đồng nghiệp khảo sát trực tiếp tại Trường THPT Châu Văn Liêm. Ông đánh giá hiện trạng của trường như thế nào?

+ KTS Trần Trí Thông: Qua khảo sát, theo quan điểm cá nhân tôi, trường đã qua ít nhất bốn giai đoạn sửa chữa và xây dựng thêm trong lịch sử tồn tại gần 100 năm. Nhìn chung, hệ thống kết cấu và kiến trúc bao che đang bị xuống cấp trầm trọng, không thể đảm đương công năng sử dụng hiện nay. Tuy nhiên, lớp công trình kiến trúc tường được xây dựng từ thời Pháp vẫn còn khả năng chịu lực, hoàn toàn có thể trùng tu. Đây chính là lớp công trình có giá trị lịch sử và nhân văn cần được bảo tồn.

. Theo ông, nếu trùng tu thì mức độ an toàn và niên hạn sử dụng như thế nào, vì đây là công trình công cộng, gần như công năng sử dụng liên tục?

+ Niên hạn sử dụng khác với tuổi thọ công trình. Niên hạn là các tính toán về thời hạn sử dụng của công trình, có tính đến hệ số an toàn. Khi tính toán, người thiết kế bao giờ cũng theo nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn nhất cho người sử dụng. Chính vì thế, phía Pháp thông báo Trường Châu Văn Liêm đã hết niên hạn sử dụng từ gần 20 năm trước nhưng đến nay công trình vẫn còn đứng vững dù từ đó đến nay chưa có lần bảo dưỡng lớn nào. Còn tuổi thọ công trình phải xét đến nhiều yếu tố: vật liệu sử dụng, dạng kết cấu nào, điều kiện khí hậu thời tiết,...

Như tôi đã nói, phần cần bảo tồn của Trường Châu Văn Liêm là phần kết cấu tường chịu lực dày, được xây bằng gạch thẻ và vữa tam hợp. Vật liệu gạch này có tuổi thọ chỉ thua vật liệu đá. Các công trình dùng vật liệu gạch này có thời gian tồn tại đến trên dưới ngàn năm vẫn còn đến ngày nay như Tháp Chàm ở Việt Nam, Angko ở Campuchia... Nếu được duy tu và bảo dưỡng đúng cách, việc kết cấu tường chịu lực của Trường Châu Văn Liêm sử dụng an toàn trong vài trăm năm là điều hoàn toàn có thể.

. Xin cám ơn ông.

Trường cổ nhất đồng bằng bị biến dạng khi xây mới

Từ Trường THPT Châu Văn Liêm, Cần Thơ, nhiều người liên tưởng đến Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho, Tiền Giang). Trước đây Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu có tên là Collège de My Tho, được Pháp xây dựng vào đầu năm 1879. Đây mới là ngôi trường cổ nhất ở ĐBSCL, đồng thời nằm trong tốp những ngôi trường cổ của Việt Nam. Nhưng hiện ngôi trường đang mất dần các kiến trúc xưa. Thay vào đó là những khối phòng học mới được xây dựng khá hiện đại.

Với kinh phí đầu tư trên 154 tỉ đồng, dự án cải tạo và xây dựng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đang từng ngày làm biến dạng toàn bộ cảnh quan nơi đây. Năm 2014, một dãy phòng học mới ở phía nam của trường (gồm một tầng trệt, ba tầng lầu - 40 phòng) được khánh thành đưa vào sử dụng, trên nền của dãy phòng học cổ có tuổi hơn 130 năm đã bị đập bỏ.

Hiện nay một số phòng học và khu hành chính cũ của trường cũng bị xóa sổ, nhường chỗ cho hai dãy kiến trúc cao tầng khác mọc lên sừng sững. Các công trình này đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ban giám hiệu nhà trường xác nhận chỉ giữ lại để tôn tạo, bảo tồn một dãy phòng học cổ ở phía bắc (gồm một tầng trệt, một tầng lầu, với 14 phòng).

Nhà giáo Lê Bá Ngọc, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), cho biết tính đến nay trường đã có quá trình xây dựng và phát triển xuyên suốt 136 năm. Phía Pháp nhiều lần gửi thông báo khuyến cáo ngôi trường này đã quá niên hạn sử dụng, vì thế ngành giáo dục tỉnh Tiền Giang buộc phải lập phương án đập phá để xây dựng lại gần như toàn bộ.

Theo thầy Ngọc, không ai không khỏi tiếc nuối những kiến trúc cổ xưa, đặc biệt từng gian phòng học, dãy hành lang, hội trường, mái vòm rêu phong… đều lưu giữ những dấu ấn không thể xóa được trong lòng nhiều thế hệ cựu học sinh của trường. Tuy nhiên, hầu hết dãy phòng học cổ đều đã xuống cấp rất nghiêm trọng, không thể đảm bảo an toàn cho công tác giảng dạy.

“Trong phương án xây dựng mới và cải tạo cảnh quan cho trường, dãy phòng học cổ ở phía bắc dù được trùng tu giữ nguyên trạng, song tới đây sẽ chỉ tận dụng làm phòng truyền thống, trưng bày và lưu giữ các học cụ… Tuyệt đối không cho học sinh và những đoàn khách đông người lên tham quan trên lầu” - thầy Ngọc nói.

TÂM PHÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm