Thông tin này sau đó được đăng tải trên một số tờ báo khiến sức tiêu thụ hàng của công ty giảm sút.
Tuy nhiên, khi đó báo chí lại phát hiện người nhà của ông chi cục trưởng QLTT Cần Thơ đang làm đại lý cấp 1 cho một công ty sữa là đối thủ của Công ty B. Vì điều này nên QLTT có những hành xử khác thường nhằm gây khó dễ cho doanh nghiệp. Gần đây, gặp và trò chuyện với vị phó giám đốc Công ty B., tôi được biết công ty đã giải thể. Có một vài khó khăn khiến công ty giải thể nhưng có một lý do không thể không nhắc là sau vụ kiện QLTT bất thành, Công ty B. gặp khá nhiều rắc rối với cơ quan công quyền.
Mới đây, một doanh nghiệp tại TP.HCM nộp đơn khởi kiện người đứng đầu Bộ Công thương với lý do bộ này sử dụng một thông tư liên tịch lạc hậu để xử phạt doanh nghiệp. Vụ việc không được TAND TP.HCM thụ lý vì yêu cầu của doanh nghiệp không nằm trong các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, một câu hỏi mà những ai đã đọc hồ sơ vụ kiện đều phải thắc mắc: Tại sao Bộ Công thương có hẳn một vụ pháp chế, rồi Sở Công thương và QLTT các địa phương đều có bộ phận chuyên trách pháp luật nhưng trong thời gian dài để lọt một thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Hai sự việc trên cho thấy dù hiện nay đối tượng doanh nhân đã được nhà nước và xã hội tôn vinh nhưng trong sản xuất, kinh doanh họ gặp quá nhiều khó khăn từ cơ quan công quyền.
Một tờ báo tại TP.HCM kể câu chuyện: Ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi sắp nghỉ hưu đã nhận được một câu hỏi chung từ nhiều người rằng ông sẽ thành lập doanh nghiệp riêng chứ? Câu trả lời của ông Võ là không.
Ông giải thích đại ý rằng: Chủ doanh nghiệp tại VN đang là người dũng cảm bởi hoạt động trong một môi trường kinh doanh có phần bất công, thiếu minh bạch. Vì thế ông không làm doanh nghiệp sau khi về hưu.
Câu chuyện của ông Võ dù chỉ có tính cá nhân nhưng nói lên một hiện tượng đáng phải suy nghĩ là môi trường kinh doanh ở VN còn nhiều bất trắc với doanh nghiệp, doanh nhân.
TRUNG HIẾU