Trên mảnh đất vốn đã quá nhiều cơ cực ở Quảng Nam, có những người chỉ mong có nơi ở tử tế để thắp nén hương cho cha. Có người chỉ ước được lợp lại mái tôn cũ nát cho các con ngồi học không thấm dột, phụng dưỡng mẹ già…
Anh Trương Văn Hải lắp lại di ảnh của cha đã bạc màu vì thấm nước mưa. Ảnh: TẤN VIỆT
Vợ chồng anh Trần Văn Thu với mớ cá tôm vừa bắt được, đằng sau là căn nhà chờ sập. Ảnh: TẤN VIỆT
Hơn cả sự trắng tay
“Nhà mình còn gì đâu, đến cái bàn thờ thắp hương cho cha cũng bị gió thổi bay mất rồi” - anh Trương Văn Hải (45 tuổi, ngụ xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vừa lau chùi di ảnh của cha, vừa nói về hoàn cảnh gia đình mình.
Anh Hải vốn không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy, thu nhập bấp bênh. Ở quê không có việc làm, vợ đi làm xa mãi trên huyện miền núi Nam Trà My, mỗi năm hai vợ chồng chỉ gặp nhau vài lần.
“Xa cách nhau nên tình cảm cũng phai nhạt. Mình thì làm ăn thất bại nên vợ chồng trở nên chán nản. Tám năm trước hai vợ chồng ly hôn, vợ bồng con về quê ngoại luôn không trở lại nữa” - anh Hải kể.
Một năm sau, cha anh Hải mất. Một mình anh Hải bươn chải đủ nơi để kiếm tiền nuôi mẹ già 90 tuổi. Hai mẹ con ở trong căn nhà xập xệ, được dựng lên chỉ bằng vách tôn tứ bề đóng vào các thanh gỗ. Nền nhà rộng 30 m2 chỉ được dậm bằng đất. Những viên gạch ít ỏi trong nhà dành để anh Hải đắp bàn thờ cho cha.
Theo thời gian, căn nhà mục nát, xiêu vẹo. Nghe đài báo bão số 9, anh Hải vội đưa mẹ lên tá túc nhà chị ruột. Đến khi trở về, trước mắt anh Hải chỉ còn đống hoang tàn. Sau bão, di ảnh, lư hương của cha lẫn trong bùn đất. Mẹ con anh Hải từ đó không còn nơi để về nữa.
“Tết này không biết có đủ tiền để làm lại nhà, đón mẹ về ở không. Mẹ già quá, đi đứng té lên té xuống. Năm ngoái bất cẩn té gãy chân, vừa rồi đi vệ sinh thì trượt té gãy xương vai, phải đưa đến bệnh viện băng bột. Nhà cửa thế này, đâu dám nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Nhiều lúc nghĩ đời mình còn hơn cả sự trắng tay” - anh Hải kể.
Mong sửa lại nhà cho con có chỗ ngồi học
Anh cán bộ xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên) dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông ngoằn ngoèo giữa trưa nắng để về với xóm đảo, nơi có gia đình anh Trần Văn Thu sinh sống.
Sở dĩ gọi là xóm đảo vì nơi này không khác gì ốc đảo dưới chân cầu Chìm. Cứ mưa lớn vài ngày là nước dâng lên nhấn chìm con hẻm nhỏ dẫn vào đây nên năm nào gia đình anh Thu cũng vài lần bị cô lập.
Anh Thu nay 43 tuổi, hết làm nông lại chuyển qua thợ hồ. Mưa bão liên miên, anh Thu giờ chỉ biết thả mẻ lưới nhỏ dưới chân cầu Chìm để kiếm mớ cá tôm cho vợ ra chợ bán. Vợ anh Thu làm thợ dệt thuê ở gần nhà nhưng việc lúc có lúc không, năm nay gặp dịch COVID-19 nên chị cũng chẳng đi dệt được bao nhiêu.
Nhà anh Thu chỉ được cái “nổi tiếng” là nghèo, cứ về cầu Chìm hỏi anh Thu xóm đảo thì ai cũng biết. Bởi hai vợ chồng nuôi ba con nhỏ đang tuổi ăn học trong căn nhà chờ sập. Hễ mưa lớn là cả nhà phải qua nhà nội ở tạm, mái tôn toàn màu rỉ sét rách lỗ chỗ, mưa trút xối xả trong nhà.
Bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCMhỗ trợ xây, sửa nhà Sau hai đợt cứu trợ khẩn cấp vừa qua, từ hôm nay (1-12), đoàn cứu trợ của báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục về các tỉnh miền Trung để trao tiền xây dựng, sửa chữa nhà cho 64 hộ gia đình do bạn đọc hảo tâm, mạnh thường quân của báo đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Trung. Hôm nay, đoàn sẽ đến trao tiền cho các hộ bị ảnh hưởng nặng nề ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. |
Bão số 9 rồi bão số 13, gia đình anh Thu phải sơ tán. Người khác đi sơ tán còn mang theo ít tài sản phòng thân. Vợ chồng anh dắt díu các con đi tay không vì căn nhà hoàn toàn trống rỗng, không có gì gọi là tài sản ngoài tủ quần áo bằng sắt mà chỉ cần búng nhẹ tay là lại có lỗ thủng.
“Hai vợ chồng ăn gì cũng được, qua ngày hết. Chỉ mong sửa lại nhà cho các con ngồi học đàng hoàng, không phải ôm sách vở bỏ chạy khi trời mưa” - anh Thu mong mỏi.
Theo lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Duy Xuyên, trường hợp anh Hải đã được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng do thuộc diện nhà sập hoàn toàn.
Số tiền này chưa đủ để anh Hải xây lại căn nhà cấp bốn. Còn gia đình anh Thu đang được đề xuất hỗ trợ 10 triệu đồng và vận động các nguồn khác để anh sửa chữa nhà kiên cố hơn, không phải lo lắng khi bão đến.•