Nóng trong tuần

Mong tăng lương để giảm gánh nặng kinh tế

(PLO)- Bạn đọc cho rằng việc cải cách tiền lương không những nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà còn nâng cao năng suất lao động.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có phân tích về những điểm đáng chú ý trong chính sách cải cách tiền lương dự kiến áp dụng từ ngày 1-7-2024. Thông tin về cải cách tiền lương thu hút khá nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong tuần.

P10_tang-luong-co-so.jpg
Cán bộ, công chức tại UBND phường 5, quận Gò Vấp đang tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Mức lương hiện tại không đủ sống

Chị Trần Thị Thanh, công nhân làm việc tại một doanh nghiệp (DN) may mặc ở TP.HCM, cho biết mức lương cơ bản của chị hiện được gần 4,8 triệu đồng/tháng. Những năm trước chị luôn tranh thủ tăng ca để có thu nhập trang trải cuộc sống. Thế nhưng, tháng nào tăng ca nhiều thì tổng thu nhập của chị cũng chỉ được khoảng 7 triệu đồng. Chồng chị cũng làm công nhân, tổng thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ đóng tiền trọ, chi tiêu hằng tháng và lo cho hai con đang học tiểu học.

Hơn một năm nay vì thiếu đơn hàng nên công ty cho công nhân nghỉ bớt, chị may mắn được giữ lại, còn chồng chị thì chịu cảnh thất nghiệp sáu tháng nay. Một mình chị phải gồng gánh nuôi cả gia đình. Có tháng tăng ca ít phải vay mượn người quen để đóng tiền trọ.

“Với công nhân như chúng tôi, việc tăng lương là điều mà chúng tôi mong mỏi nhất. Bởi hiện tại mức lương của công nhân không đủ để trang trải cuộc sống. Mong rằng sắp tới mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng lên để lương của người lao động (NLĐ) như chúng tôi giảm bớt gánh nặng kinh tế. Tôi và nhiều NLĐ phấn khởi và rất kỳ vọng vào đợt cải cách tiền lương này” - chị Thanh nói.

Chị NTN, điều dưỡng tại một bệnh viện ở TP.HCM, chia sẻ: “Tôi làm điều dưỡng đã 10 năm nay. Thế nhưng mức lương của tôi vỏn vẹn chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng, cộng thêm các phụ cấp khác thì tổng thu nhập của tôi chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Mức lương này của 10 năm trước thì có thể sống đủ, còn hiện tại vật giá leo thang làm sao lo được cho gia đình. Mọi gánh nặng về kinh tế hiện tôi đều trông cậy vào chồng”.

“Mong rằng ở đợt cải cách tiền lương lần này sẽ có nhiều chính sách và cách tính lương tăng để cho đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng có thể đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Có như thế, chúng tôi mới toàn tâm toàn lực cống hiến, phục vụ tốt cho công việc” - chị N mong mỏi.

Việc tăng lương là một bài toán khó và cần phải được xem xét, tính toán một cách toàn diện.

Tăng lương, hiệu quả công việc phải đảm bảo

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), đánh giá hiện nay hệ thống lương đang bị chia cắt và không có một khối thống nhất giữa lương khối nhà nước và lương do DN chi trả. Đồng thời, việc chia cắt khu vực để tính lương tối thiểu vùng cũng chưa được khách quan. Vì thế cần có sự đánh giá hợp lý.

Theo PGS-TS Lộc, trong bối cảnh hiện nay việc tăng lương có thể ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quỹ lương của DN, đặc biệt là trong giai đoạn các DN đang khó khăn.

Mặt khác, nếu chậm tăng lương sẽ ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ bởi khi giá tăng, chi phí tiêu dùng của NLĐ cũng phải tăng theo và tăng lương là nhu cầu thực tế. Chính vì thế, việc tăng lương là một bài toán khó và cần phải được xem xét, tính toán một cách toàn diện.

Cũng theo PGS-TS Lộc, song song với việc tăng lương thì cần phải có những gói hỗ trợ DN và có thể thông qua những chính sách hỗ trợ NLĐ. Có như thế, DN mới tiếp tục duy trì vận hành cũng như đảm bảo đơn hàng, tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Việt Nam có thể học hỏi các quốc gia khác trong việc hỗ trợ các gói hỗ trợ DN nhằm kích thích thị trường phát triển trở lại để việc tăng lương không còn là sức ép cho DN.

“Khác với việc tăng lương ở khối DN, việc tăng lương đối với NLĐ, cán bộ, công chức nhà nước sẽ không bị sức ép quá nhiều. Như chúng ta thấy tại các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ cũng đã có dự toán và việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng nhiều về quỹ lương.

Tuy nhiên, điều quan trọng trong việc cải cách tiền lương lần này là cần tạo ra bước đột phá thay vì giải quyết vấn đề khó khăn về tiền lương của cán bộ, công chức nhà nước. Cụ thể, chúng ta cần tạo ra một bước chuyển để nâng cao hiệu quả của bộ máy công vụ. Chúng ta cần có kế hoạch để tính toán lương làm thế nào tăng hiệu quả làm việc cho bộ máy hành chính của cơ quan nhà nước. Song song đó, cần có cách tính lương làm sao đảm bảo đời sống của NLĐ, công nhân, viên chức nhà nước” - PGS-TS Lộc nêu.•

Đủ nguồn để cải cách tiền lương trong ba năm

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, ngày 23-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024, trong đó có việc tập trung nhiệm vụ để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024.

Thủ tướng cũng đề cập đến nhiệm vụ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết 27 của Trung ương từ ngày 1-7-2024. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực DN. Cùng với đó là tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực DN theo quy định…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhờ thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỉ đồng, đảm bảo đủ nguồn để cải cách tiền lương trong ba năm từ 2024 đến 2026. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm