Chính phủ báo cáo Quốc hội về khả năng bố trí nguồn cải cách tiền lương

(PLO)- Tổng nguồn ngân sách trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng, nguồn tích lũy của ngân sách địa phương là khoảng 430.000 tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-10, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo đánh giá giữa kỳ về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục nghe Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2024, Kế hoạch tài chính – NSNN ba năm 2024 - 2026.

Ngoài các số liệu như thông thường thì khả năng bố trí nguồn lực cải cách tiền lương là điểm nổi bật.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của NSTW các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn NSTW dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỉ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, với dự kiến thu - chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 1-7-2024.

Trong đó, trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỉ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu/tháng.

qh-phoc.jpg
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về ngân sách trước Quốc hội. Ảnh: QH

Để thực hiện được điều này, Chính phủ kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi NSNN năm 2024, trong đó có nguyên tắc để bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo kết luận của Trung ương.

Đồng thời, cũng dành nguồn lực để thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được NSNN đảm bảo; tăng chế độ ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội đảm bảo bù đắp một phần trượt giá và có tăng thêm…

Trong phần phân cấp NSTW/NSĐP, Chính phủ cũng dự toán chi cải cách tiền lương của NSTW khoảng 48.000 đến 49.000 tỉ đồng và dự toán chi cải cách tiền lương của NSĐP là 6.400 tỉ đồng.

Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội cho phép thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối NSĐP năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu /tháng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng bám sát nguyên tắc về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27; điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Triệt để tiết kiệm chi phí với các hội thảo, hội nghị

Báo cáo của Chính phủ đã dự toán thu NSNN năm 2024 trên 1,7 triệu tỉ đồng, tăng trên 80.000 tỉ đồng so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Tỉ lệ huy động vào NSNN đạt 15,3% GDP.

Bội chi NSNN năm 2024 là 399.400 tỉ đồng, khoảng 3,6%GDP. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ nằm trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Trong năm 2024, báo cáo của Chính phủ cũng cho hay cần rà soát kỹ, cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2023 không tiếp tục phát sinh năm 2024 (khoảng 20.000 tỉ đồng), triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi hội nghị, hội thảo… để đảm bảo nguồn cho các nhiệm vụ tăng chi quan trọng, cấp bách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm