Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 5 nước Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc

(PLO)- Việc nâng tầm đối tác chiến lược với các nước Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc giúp Việt Nam phát huy tiềm năng hợp tác với các đối tác cả về kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-10, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo này.

Sau khi sơ lược chín kết quả chủ yếu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo đã nhấn mạnh về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác này được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Nhiều hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội, thời cơ mới để phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh.

“Các chương trình đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được tổ chức chu đáo, thành công, nhất là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nâng cấp quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững…

Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và G20” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày.

Qh-chi-dung-1.jpg
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo giữa kỳ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: VP

Báo cáo của Chính phủ nhận định những hoạt động này đã phát huy tiềm năng hợp tác với các đối tác cả về kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, các ngành, lĩnh vực công nghệ cao (chíp, bán dẫn, Hydrogen…), văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực.

Trong giai đoạn tới đây, dù nhận định bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, còn rất lớn, rủi ro còn tiềm ẩn cả trong và ngoài nước nhưng việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế vẫn được Chính phủ xác định là mục tiêu trọng tâm.

Trong sáu quan điểm được báo cáo nêu thì việc đẩy mạnh đối ngoại, nhất là ngoại giao kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững… được chú trọng.

Điều này cũng được xác định là nhiệm vụ của Chính phủ khi báo cáo xác định phải nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, góp phần củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Trình bày báo cáo thẩm tra tóm tắt về các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, về phần các hoạt động đối ngoại, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu: "Hoạt động đối ngoại tiếp tục được nâng cao".

Báo cáo thẩm tra cũng ghi nhận công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh và mang lại nhiều động lực quan trọng cho nền kinh tế, nhất là trong hợp tác chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh và chuyển đổi số. Công tác ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao vắc-xin đạt kết quả tích cực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm