Chiều 6-9, tiếp tục phiên làm việc của Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội (QH) khóa XV , Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thị Thanh đã trình bày tham luận về yêu cầu và những nội dung chủ yếu trong công tác triển khai Nghị quyết 96/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Bà Thanh cho biết ở các lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây, QH, HĐND đã ba lần tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013, 2014 và lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất vào năm 2018.
Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thị Thanh cho biết đã có danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp 6, Quốc hội XV. Ảnh: QH |
Việc lấy phiếu tín nhiệm đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng. Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã được quan tâm, sửa đổi qua các khóa QH để dần hoàn thiện và đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Ngày 23-6, QH khoá XV đã thông qua và ban hành Nghị quyết 96 thay thế Nghị quyết 85/2014 về cùng nội dung nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định 96 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 27/2022 Trung ương Đảng khóa XIII.
Việc này cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây QH đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND.
Theo bà Thanh, Nghị quyết 96 có bổ sung hai phụ lục mới, trong đó có một số nội dung cần lưu ý.
Thứ nhất, về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Nghị quyết đã bổ sung đối tượng do QH lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh Tổng Thư ký QH; đối tượng do HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã bỏ chức danh Ủy viên Thường trực của HĐND.
Thứ hai, để thể chế hóa Quy định 96, Nghị quyết này cũng không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã. Đây là điểm khác biệt so với Nghị quyết 85 quy định lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND cả cả ba cấp.
Cùng đó, không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy, QH và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện khoá này sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với người được bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm từ 01-01-2023 trở lại đây.
Ngoài ra, đối với các chức danh Chủ tịch UBND quận tại TP Đà Nẵng và TP.HCM cũng không lấy phiếu tín nhiệm vì đây là chức danh do Chủ tịch UBND TP bổ nhiệm.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị. Ảnh: QH |
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho hay Nghị quyết 96 đã quy định đầy đủ, rõ ràng về các nội dung liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Do đó, Ủy ban Thường vụ QH sẽ không ban hành văn bản hướng dẫn việc lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND như nhiệm kỳ 2016-2021. Thay vào đó, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 96/2023/QH15, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, Ủy ban Thường vụ QH sẽ hướng dẫn để thống nhất thi hành.
Căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị quyết 96 QH sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6 QH khóa XV (dự kiến khai mạc vào 23-10) và HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2023.
Ban Công tác đại biểu sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ QH ban hành Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XV.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung như rà soát đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, thành phần ghi phiếu tín nhiệm. Với nội dung này hiện Ban Công tác đại biểu đã rà soát, lập danh sách dự kiến người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 QH khóa XV để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH.
Cạnh đó, là quy trình lấy phiếu tín nhiệm từ công tác chuẩn bị đến việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; công khai và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm...