Sớm hoàn thiện khung pháp lý, triển khai cải cách tiền lương từ 1-7-2024

(PLO)- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả việc cải cách tiền lương từ 1-7-2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-10, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khoá XV, sau khi nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh đã trình bày nội dung thẩm tra.

Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm

Theo Uỷ ban Kinh tế, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự… Dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước tính cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%...

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Thứ nhất, ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Một số ý kiến cho rằng cả ba động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn. Nguyên nhân là do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải carbon và kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro.

Thứ ba, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29-9 chỉ tăng 6,92%.

Thứ tư, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong chín tháng. Tình trạng cắt điện mùa nắng nóng tái diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Thứ năm, quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn trước. Vấn đề chậm giải ngân cần phải được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để sớm khắc phục.

Thứ sáu, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương còn một số vấn đề cần quan tâm. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục triệt để. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông cũng gây nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ bảy, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo còn một số khó khăn, vướng mắc, cần được quan tâm. Tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, thiếu trường, lớp, trang thiết bị còn diễn ra ở một số nơi.

Số người rút bảo hiểm xã hội tăng cao, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp diễn ra khá phổ biến.

Do đó, trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)…

Sớm hoàn thiện khung pháp lý, triển khai cải cách tiền lương từ 1-7-2024-Cai-cach-tien-luong-Vu-Hong-Thanh.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH

Cần khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Thẩm tra kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, Uỷ ban Kinh tế của QH cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ…

Về nhiệm vụ, giải pháp, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội đã được nêu ra. Đồng thời, phải gắn với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Uỷ ban Kinh tế cũng bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo quy định.

Xây dựng kế hoạch để tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành. Chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tập trung cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là điện, xăng, dầu.

Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 1-7-2024. Cùng đó cần có giải pháp, chính sách hiệu quả để khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm