Khỏi nói dông dài cũng thừa hiểu cơ quan nào cũng thế, tim gan thận ruột, bộ phận nào cũng phải làm việc nếu gia chủ còn sống! Nhưng nếu tính điểm một cách khách quan cơ quan trong thời “hại điện” phải ngày đêm cố gắng vượt chỉ tiêu chắc đó là bộ não!
Thuốc nào là độc dược với não?
Nếu tưởng muốn não bớt mệt chỉ cần bổ não theo kiểu bơm sinh tố, khoáng tố nào đó vào là sai lầm rồi! Thuốc được quảng cáo có tác dụng bổ não khó ế vì người mua có phần dễ xiêu lòng trước lời đường mật, mặt khác đang mệt như gần chết đuối nên nhìn gì trôi lờ đờ cũng tưởng là phao! Song, thuốc nào bổ cho nổi nếu gia chủ đích thân đầu độc bộ não bằng rượu bia, thuốc lá, thuốc an thần…? Các chất kích thích bao giờ cũng có tác dụng trấn an bộ não. Mà kẹt ở chỗ dùng quen rồi thích dùng thêm, không dùng thấy thiếu thiếu. Tất nhiên trong cảnh rối như tơ vò mấy ai nghiệm ra việc bồi thêm thuốc vào bộ não đã chật cứng phế phẩm chẳng khác nào tự uống thuốc… độc!
Ít ai ngờ thuốc bổ tốt nhất dành cho bộ não là giấc ngủ yên bình, thật sâu với nhiều cơn mộng lành, gia chủ thức dậy với cảm giác sảng khoái lạc quan. Trong thời buổi stress đang lên ngôi từng giờ, dưới ảnh hưởng của nội tiết tố sản sinh trong tình huống stress không ít người tuy đặt lưng có thể ngủ ngay vì quá mệt nhưng mới 1, 2 giờ sáng lại giật mình, cứ như ngân hàng đòi nợ lúc canh ba, rồi thức trắng đến sáng trong tâm trạng bồn chồn sợ đêm mau qua, sợ ngày mai lại đến! Và nạn nhân bước vào ngày mới với cảm giác mệt mỏi chán chường! Vì thế cũng sẽ dễ hiểu nếu nạn nhân nhanh chân chạy thuốc ngủ, từng đêm mua thuốc độc trả góp!
Nếu tưởng mất ngủ chỉ khiến nạn nhân dễ đổ quạu vào sáng hôm sau là lầm. Nếu nghĩ đãng trí, mất khả năng phán đoán, giảm óc suy luận là do thiếu gì đó trong não cũng sai nốt! Trong đa số trường hợp, suy giảm trí tuệ xuất hiện là vì dẫn truyền thần kinh bị kẹt, như thể kẹt xe do vướng quá nhiều ụ rác, nói theo từ chuyên môn là tạp niệm trong não. Thêm vào đó nếu não lúc nào cũng phải ghi nhận kích ứng dồn dập ở người tất bật trong vòng vây của stress thì dẫn truyền thần kinh khó tránh chạy lạc đường. Tế bào thần kinh mỗi ngày bị công kích cả chục ngàn lần bởi độc chất mang tên ôxy hóa! Chất này được sản sinh trong cơ thể từ cuộc sống đầy bận rộn, từ nếp sinh hoạt thất thường của nạn nhân.
Nếu não lúc nào cũng phải ghi nhận kích ứng dồn dập ở người tất bật trong vòng vây của stress thì dẫn truyền thần kinh khó tránh chạy lạc đường.
Giải pháp không quá xa tầm tay
Nếu có cách nào trung hòa mũi nhọn đâm lén của chất ôxy hóa bằng hoạt chất sinh học an toàn thì đó là biện pháp hợp lý nhất để tiếp hơi đúng lúc cho tế bào thần kinh. Giải pháp không quá phức tạp vì chất đối kháng, chất có tên là kháng ôxy hóa đã được xác minh tác dụng qua nhiều công trình nghiên cứu lâm sàng, nó có sẵn trong anthocyanin của trái cây, polyphenol của trà, flavonoides của rau cải…
Trở về với thiên nhiên, trở về với hoạt chất ly trích qua công nghệ tiên tiến, chính là lối thoát an toàn cho người còn biết thương bộ não.
Thật sai khi nhầm tưởng càng rầu, càng mệt càng dễ biếng ăn! Chuyên gia về bệnh lý do stress ở ĐH Munich đã giải thích tại sao nhiều người làm việc trong văn phòng có vòng số 2 vượt chỉ tiêu, mặc dù họ có cuộc sống căng thẳng từ sáng đến tối. Lý do là vì 80% số người phải đồng hành cùng stress tuy không vui, tuy thường mất ngủ nhưng lại ăn rất ngon. Họ thậm chí ăn nhanh, ăn nhiều lần trong ngày, khoái khẩu với món ngọt. Dễ hiểu vì nạn nhân rất cần năng lượng để đủ sức làm thêm giờ!
Có vay có trả!
Thói quen ăn ngọt cũng tựa như ghiền cà phê, thuốc lá, sớm muộn gì cũng phải tăng “đô”. Người bình thường thiếu chút đường không can gì nhưng với nạn nhân của stress lại là chuyện chẳng khác nào thiếu… thuốc! Cũng vì quen với lượng đường cao trong máu nên “stress nhân” rất dễ đói bụng, thậm chí “xấu nết” nếu không kịp ăn! Đó là do ảnh hưởng của nội tiết tố corticosteroid của tuyến thượng thận sản sinh trong tình huống stress. Éo le là do điểm tuyến này bao giờ cũng xài sang nên phóng thích nội tiết tố nhiều hơn nhu cầu trên thực tế của gia chủ. Càng cao danh vọng, càng mau tích lũy corticosteroid. Gia chủ lâu ngày chẳng khác nào ngộ độc thuốc dù không dùng thuốc chỉ vì ngày đêm “nuôi ong tay áo” mà không biết!
Chính vì thế mà chuyên gia về bệnh do quá stress đã khuyên ráng tập vài chuyện không quá khó.
- Đừng ăn ngọt quá thường khi căng thẳng thần kinh. Đừng quên chất ngọt đúng là trấn an hệ thần kinh trong lúc dầu sôi lửa bỏng nhưng sau đó gây nghiện. Bệnh tiểu đường do stress khi đó bất chiến tự nhiên thành!
- Tránh món vừa hưng phấn thần kinh vừa tăng đường huyết như cà phê đá bỏ đường ngọt hơn chè. Tuy tỉnh táo trước mắt nhưng sau đó dễ hết pin đến độ đổ quạu vì chuyện không đâu!
Người mệt một, não mệt mười! Không bộ não nào muốn gia chủ thất vọng. Não bao giờ cũng cố gắng làm tới nơi. Nếu trục trặc chẳng qua vì chủ nhân không hề fair play. Đến lúc nào đó não đành thờ ơ với khổ chủ chẳng qua vì nạn nhân thường khi cũng chính là thủ phạm! Ăn chia là từ kép. Muốn ăn cho lâu phải nhớ chia cho đều. Với bộ não cũng thế mà thôi!