Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 –19-5-2024), chúng tôi đã có dịp đến thăm không gian văn hoá Hồ Chí Minh của cựu chiến binh Lâm Xuân Quang (69 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM).
Trong căn nhà đang ở, ông Quang đã dành một tầng lầu rộng khoảng 300 m2 để lưu giữ những hình ảnh, tư liệu về Bác.
Gần 50 năm ấp ủ ý tưởng
Đi bộ đội từ năm 14 tuổi, cựu chiến binh Lâm Xuân Quang có năm năm chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1972, ông tiếp tục cùng nhiều thanh niên đi bộ dọc đường Trường Sơn ra Bắc để học chữ.
“Mùa xuân năm 1969 khi tôi ở chiến trường miền Đông nghe Bác chúc Tết qua thơ, nghe giọng Bác hùng hồn, trầm ấm khiến tôi có thêm niềm tin về lý tưởng của Bác cũng như công cuộc giải phóng đất nước. Chính niềm tin đó đã thôi thúc tôi cần làm một không gian tôn kính Bác” - ông Quang mở lời.
Gần 50 năm ấp ủ ý tưởng, sưu tầm tư liệu, đến năm 2018, sau khi sửa chữa căn nhà đang ở, ông quyết tâm dành một tầng để làm một “bảo tàng” cá nhân về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Ban đầu cũng phải ‘dân liệu’ lắm vợ tôi mới đồng ý. Tôi xây nơi này này mất sáu tháng, chủ yếu chỉ mong muốn truyền tải được di sản, tư tưởng, cuộc đời của Bác đến với nhiều người” - ông Quang tâm sự.
Trong không gian rộng khoảng 300 m2, ông Quang để nhiều hình ảnh, tư liệu gom góp từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là qua sách báo và trải nghiệm của chính ông.
Đặc biệt nhất, hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ, đường Trường Sơn, hình ảnh chiếc xe tăng húc vào cổng phụ Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 cùng nhiều hình ảnh lịch sử được ông Quang tái hiện tại sống động dọc hai bên bờ tường ở nhà riêng của ông.
Ước mong xây dựng “Không gian Hồ Chí Minh”
Gần nửa thế kỷ ấp ủ ý tưởng xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh nay đã thành hiện thực và ông Quang không chỉ giữ đó cho riêng mình. “Bảo tàng” cá nhân của ông tại số 70 Đường số 6 (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) mở cửa tự do và luôn sẳn sàng đón khách đến tham quan dù sáng hay tối.
Sau sáu năm mở cửa, không gian văn hoá Hồ Chí Minh của ông Quang tiếp đón nhiều đoàn khách là học sinh, sinh viên, đoàn viên... đến tìm hiểu về tư tưởng, cuộc đời của Bác.
Đến nay, ông Quang tiếp tục ước mong đất nước, đặc biệt TP.HCM, có thể xây dựng một “Không gian Hồ Chí Minh” – nơi lưu giữ di sản, cuộc đời, tư tưởng, thành tựu của Bác Hồ.
“Ý tưởng này đã hình thành trong quá trình tôi xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh cũng như trong suốt quãng đời tìm hiểu về Bác. Ở không gian đó, chúng ta không chỉ là hình ảnh, tư liệu, sách vở mà phải thực sự sống động, có thể dụng công nghệ 4D để tái hiện lại hình ảnh về Bác Hồ”- ông Quang gợi mở.
Theo ông Quang, việc xây dựng “Không gian Hồ Chí Minh” sống động sẽ giúp thế hệ trẻ đến gần hơn với việc tìm hiểu lịch sử, cuộc đời của Bác Hồ cũng như trở thành nơi tham quan, thu hút khách du lịch.
Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020 - 2035.
Toàn TP.HCM hiện có 2.908 thiết chế vật thể giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những kết quả bước đầu này đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm của TP.HCM trong thực hiện xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh – một công trình "Ý Đảng, lòng dân".
TP.HCM đặt nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; đầu tư phát triển văn hóa, con người TP.HCM; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng nếp sống thị dân, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh; phát huy giá trị văn hóa, nét đặc trưng, tính cách con người TP.HCM.