Dự án Công viên Lạc Cảnh do một công ty tư nhân đề xuất thực hiện tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đang gặp nhiều ý kiến trái chiều do nó giống nghĩa trang mà lại không gọi là nghĩa trang.
Giữ tro cốt, thờ tự, tri ân người đã mất
Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án Công viên Lạc Cảnh dự kiến được xây dựng trên một khu đất nông nghiệp (hiện hữu) tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh. Khu đất này cách xa các khu dân cư hiện hữu, chỉ có tám hộ dân sử dụng đất. “Với mong muốn đem lại khu hoa viên mới, hiện đại, không hỏa táng cũng không địa táng, dự án chủ yếu lưu giữ tro cốt, thờ tự, tri ân những người đã mất nên có cảnh quan đẹp, văn minh, phù hợp với môi trường” - nhà đầu tư bày tỏ trong một cuộc họp xem xét về dự án do Sở QH-KT mới tổ chức.
Trong khi đó, UBND huyện Bình Chánh cho biết theo đồ án quy hoạch của xã Tân Nhựt (được duyệt từ năm 2011), vị trí khu đất dự kiến xây Công viên Lạc Cảnh là đất quy hoạch nghĩa trang nên huyện ủng hộ thực hiện dự án. Ngoài ra, theo kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thì khu vực này cũng được xác định là nghĩa trang nên huyện nhận thấy việc đầu tư xây dựng hoa viên là có thể xem xét. Tuy nhiên, tên gọi của dự án cần phải xem lại cho phù hợp.
Một cán bộ Sở TN&MT cho biết trước đây nhà đầu tư đề xuất xây dựng nghĩa trang tại xã Tân Nhựt. Sở TN&MT đã nhiều lần trình dự án nhưng UBND TP chưa chấp thuận. Sau đó, nhà đầu tư thay đổi từ nghĩa trang thành công viên làm nơi lưu giữ tro cốt, tưởng niệm, ghi ơn chứ không hỏa táng hay địa táng.
Nghĩa trang Bình Dương xây dựng kết hợp với hoa viên giải quyết cả ba vấn đề: Lưu giữ tro cốt, hỏa táng và địa táng. Ảnh: HOÀNG GIANG
Mô hình mới, chưa có quy định phê duyệt
Trước những ý kiến trái chiều về dự án Công viên Lạc Cảnh, mới đây Sở QH-KT tổ chức cuộc họp với các sở, ngành liên quan để lấy ý kiến góp ý. Tại cuộc họp, đại diện Viện Quy hoạch xây dựng cho rằng khu đất dự kiến xây Công viên Lạc Cảnh là đất quy hoạch nghĩa trang. Tuy nhiên, khu đất này nằm rất gần Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, gần nơi quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa - Lò Gốm, gần khu dân cư và các đầu mối giao thông quan trọng. Do đó trong tương lai, khu vực này sẽ có mật độ đô thị hóa cao, dự án sẽ ảnh hưởng đến dân cư sau này. Ngoài ra, các địa điểm xây dựng nghĩa trang do UBND TP chỉ đạo nghiên cứu xây dựng nên tập trung ở xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) sẽ phù hợp hơn ở xã Tân Nhựt.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở QH-KT, cho biết căn cứ vào đề án quy hoạch chung của huyện Bình Chánh được UBND TP phê duyệt vào năm 2012, khu đất đề xuất xây dựng Công viên Lạc Cảnh thuộc chức năng đất nông nghiệp. Mặt khác, đây là mô hình mới, chỉ có công trình lưu tro cốt (không chôn cất hay hỏa táng) có khác biệt so với công trình truyền thống như đình, nhà thờ hay nghĩa trang... nên chưa có quy định để áp dụng phê duyệt, chấp thuận dự án. Do đó, ông Hưng đề nghị nhà đầu tư nên đề xuất tên gọi khác cho phù hợp hơn. Đồng thời liên hệ với Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Tôn giáo TP và các sở, ngành liên quan để có ý kiến cụ thể hơn.
Một lãnh đạo Sở TN&MT cũng cho rằng tên gọi của dự án chưa phù hợp. Sau khi thay đổi tên gọi, nếu dự án được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở TN&MT mới hướng dẫn nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Nên gọi là nghĩa trang? Theo Viện Quy hoạch xây dựng, phải xác định đây là dự án nghĩa trang. Một cán bộ Sở TN&MT nói: “Dự án gần giống như nghĩa trang nhưng chỉ gọi là công viên thì không phù hợp lắm, có thể gây hiểu nhầm”. |