Một lễ khai giảng rất khác...

Lớp đặt tại Trung tâm Học tập cộng đồng phường Tân Thuận Tây, dưới chân cầu Tân Thuận. Lớp chỉ có hai phòng học với hai giáo viên phụ trách chính, một giáo viên hỗ trợ chuyên môn và gần 20 tình nguyện viên là sinh viên ở các trường ĐH-CĐ.

Các HS ở đây xuất thân từ nhiều nơi khác nhau, được mọi người gọi là lũ trẻ “ba không”: không nhà, không hộ khẩu, không khai sinh. Các em được người dân và bà Mười cưu mang, lo nơi ăn ở và có lớp để học chữ.

Mới hơn 6 giờ sáng, các em đã tề tựu đông đủ, tươm tất quần áo, háo hức chờ đến lễ khai trường. Dù là một lớp học tình thương còn thiếu thốn đủ thứ nhưng lễ khai giảng vẫn được thực hiện đầy đủ nghi thức với kéo cờ Tổ quốc, hát quốc ca...

Có lẽ đây là lớp học khai giảng muộn nhất và đặc biệt nhất trong các trường lớp tại TP.HCM. Đây cũng là lần khai giảng thứ 15 của lớp kể từ ngày bà Mười (tên thật là Lữ Thị Lệ Nương) khai sinh ra lớp học.

Lớp học được xem là đặc biệt bởi báo cáo kết quả năm học 2014-2015 cho biết lớp 1 có 20 em nhưng chỉ có 11 HS lên lớp, lớp 2 có năm em thì một em lên lớp, lớp 3 có bảy em thì bốn em được lên lớp, lớp 4 có năm em thì hai em được lên lớp và lớp 5 có một em thì 100% em lên lớp. Người nghe có thể chưa hài lòng vì kết quả không cao nhưng đó lại là thành quả từ những nỗ lực của các em, từ tấm lòng của các giáo viên, tình nguyện viên. Bởi trong điều kiện thiếu phòng ốc, kinh phí và đội ngũ mà vẫn đạt được những kết quả đó là điều không dễ dàng.

Lớp học được xem là đặc biệt còn bởi người đánh trống khai trường là một bà cụ đã gần tuổi 80. Không phải tự nhiên mà những HS hô vang “bà Mười”, bà Mười” mỗi khi bà được mời lên sân khấu bởi bà đã dành trọn quãng đời còn lại cho con trẻ nơi đây suốt 15 năm qua. Bà trở thành nhân vật trong vở kịch do các em biểu diễn, trong bức tranh được vẽ để tặng bà.

Trong buổi lễ, bà Mười cúi mình trước mọi người để tri ân và tiếp tục mong đón nhận sự giúp đỡ dành cho những đứa trẻ kém may mắn mà bà đang cưu mang. Bà tâm niệm: “Dù khó khăn, các em vẫn phải được học đầy đủ kiến thức theo chương trình, được rèn luyện đạo đức… Bởi các em xuất thân đã không may mắn nhưng các em có quyền được học hành, ăn ngủ, vui chơi như những đứa trẻ khác”.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm