Căn nhà thiếc mới toanh được cất từ số tiền vay mượn bạn bè, là nơi anh Đặng Hữu Nghị (sinh năm 1977, quê Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa làm cha vừa làm mẹ, chăm lo cho hai đứa con bại não bẩm sinh là Đặng Hữu Toàn (12 tuổi) và Đặng Hữu Tùng (9 tuổi).
Nhớ lại năm 2004, vợ chồng anh Nghị vui mừng khôn xiết khi chào đón đứa con trai đầu lòng. Anh Nghị tất tả bế con đi khắp các bệnh viện ở Huế, vào đến bệnh viện Trung Ương. Thế rồi anh nhận tin sét đánh là con bị bại não bẩm sinh, có lớn mà không có khôn. Năm 2007, bé Tùng ra đời lại mang căn bệnh giống hệt như anh trai mình.
Cuộc sống của anh Nghị rơi vào tận cùng bế tắc và thiếu thốn khi vợ anh quyết định giao luôn đứa nhỏ cho anh mà ra đi. Nhiều lần anh có ý định bỏ con ở ngôi chùa nào đó rồi bỏ đi biệt xứ nhưng đêm lại nằm mơ thấy các con anh bị người ta đánh đập dã man, khóc thét và chạy đến ôm chầm lấy anh. “Thế là ý định ấy tan đi, cha con lại cùng dựa vào nhau mà sống từng ngày”- anh Nghị kể.
Hằng ngày, anh chế lại cái xe lăn cũ để mỗi lần đi bán kẹo mút, kẹo cao su sẽ đưa hai con theo cùng. Đứa lớn ngồi im re nghịch đồ chơi, đứa nhỏ vịn tay vào thanh gỗ, miệng cười hề hề. Một tay anh Nghị kéo xe lê lết khắp các hàng quán mời chào, có bữa bán được ít kẹo, có bữa người ta tưởng mình bắt cóc trẻ em rồi gọi công an dẫn lên phường càng thêm khổ.
Dù cuộc sống hiện tại vất vả, rau cháo qua ngày nhưng người cha vẫn ngày ngày bán kẹo, vẫn không ngừng nuôi hi vọng rằng hai con của mình sẽ khỏe mạnh trở lại.
Hai đứa con thích chơi gấu bông, nên anh Nghị để dành tiền sắm mới đồ chơi mới cho con, số còn lại được mọi người gửi tặng.
Bé Hữu Tùng 9 tuổi (bên trái), và anh trai Hữu Toàn (12 tuổi) dù càng ngày càng lớn nhưng không có nhận thức.
Hằng ngày anh Nghị ở nhà chăm sóc hai đứa con, 4 giờ chiều ba cha con bắt đầu đi bán kẹo đến 22 giờ đêm mới về.
Nhìn hai đứa con vui đùa, chịu ăn chịu uống là niềm hạnh phúc nhất của người cha.
Đặng Hữu Toàn (12 tuổi) thường xuyên nổi giận bất thường, hay tát em và cha mình.
Đặng Hữu Tùng (9 tuổi) thường xuyên dùng tay tát vào mặt của mình và những đồ vật xung quanh.
“Thấy con tự đánh vào mặt mình đến đỏ tấy mà tôi xót ruột lắm, tôi nhìn con bất lực vì không thể hiểu được con muốn gì. Phận làm cha như tôi thật đánh trách, tôi càng thương con và quyết sẽ không bao giờ xa con nửa bước” – anh Nghị nghẹn ngào.
Hai đứa con anh Nghị dù có lúc quấy khóc, tự tát mình, tát cha mình nhưng một lúc lại ôm chầm lấy cha mà hôn lên má lên tóc.
Khi hai đứa nhỏ quấy khóc, chúng thường nắm tóc của mình mà bứt không hay biết. Nóng lòng, anh Nghị phải thường xuyên mang con đi cắt tóc.
Ba cha con đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng (tài sản quý giá nhất của anh và các con) đang trên đường đi cắt tóc.
Vì con nghịch ngợm không yên, anh phải giữ chặt con trong quá trình cắt tóc để sợ con lắc lư sẽ bị thương.
Trở lại công việc thường ngày, hai giờ chiều anh Nghị tắm cho các con để chuẩn bị cho chúng ăn cơm trước khi đi bán kẹo.
Anh Nghị nhặt kỹ từng xương cá trước khi đút cho các con ăn.
Vừa làm cha vừa làm mẹ, anh Nghị phải cố gắng hết sức để cho con đủ đầy tình yêu thương.
Việc đút cơm cho hai đứa con là không hề dễ dàng bởi chúng nghịch ngợm cứ chạy lung tung.
Hai cha con mừng vui ra nhận được quà từ một người bạn ở quê gửi tặng.
Những người không hề quen biết đến thăm hoàn cảnh của anh không cầm được nước mắt.
Chiếc xe lăn tự chế là nơi vui chơi của hai anh em mỗi khi trời nắng nóng.
Anh Nghị bôi dầu cho con khỏi bị muỗi cắn trước khi bắt đầu hành trình bán kẹo mưu sinh.
Những lúc bán gần trong xóm thì anh tự kéo xe cho hai con ngồi sau. Những khi đi xa thì cha chạy xe máy, kéo theo xe lăn của hai đứa con.
"Cha con có nhau vậy mà vui, lúc nào buồn quá thì cha con đóng cửa chặt rồi hát thật to cho cảm xúc tan đi" - anh Nghị tâm sự.
Một tuần anh Nghị đi bán 2-3 buổi. Bởi lẽ, hai đứa con không thể theo anh đi nắng nhiều, hoặc trời đêm quá lạnh.