Mốt săn bất động sản có sẵn bến du thuyền

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), những dự án ven sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai rất có lợi thế để tạo ra tiện ích nhà ở gắn liền bến du thuyền (BDT). Dạng sản phẩm này sẽ góp phần gia tăng giá trị BĐS cho các khách hàng đang sở hữu nhà ở trong khu vực.

Một số dự án bất động sản ven sông Sài Gòn bố trí bến du thuyền để phục vụ nhu cầu của cư dân. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

“Bán bia kèm mồi”

Thời gian gần đây, thị trường BĐS hạng sang ở TP.HCM gây chú ý với dự án Grand Marina Ba Son ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1 đang được mở bán. Dự án này có view sông Sài Gòn, vị trí đắc địa còn sót lại trong khu vực. Để thu hút nhiều khách hàng hơn, trang web của dự án được làm nổi bật bằng hình ảnh BDT sang trọng cho khách sở hữu căn hộ tại đây.

Tương tự, dự án Aqua City ở tỉnh Đồng Nai với tổ hợp quảng trường - BDT cũng dự kiến sẽ khai trương trong tháng 7 này. Tại Việt Nam, du thuyền triệu đô không phải là thú chơi xa lạ của giới thượng lưu. Cùng với sự gia tăng nhanh của giới siêu giàu Việt (dự kiến sẽ tăng 31% trong năm năm tới theo Knight Frank, một đơn vị tư vấn BĐS), xu hướng sưu tập BĐS quanh BDT của giới này cũng tăng theo.

“Do đó, bến đậu du thuyền càng thêm đắt giá, trở thành lợi thế cho những dự án quy mô lớn, vị trí hiếm có cùng tầm nhìn chiến lược” - chủ đầu tư dự án Aqua City cho biết.

Thực tế, khảo sát của PV báo Pháp Luật TP.HCM cho thấy dọc sông Sài Gòn, không riêng gì các dự án căn hộ cao cấp mà những dự án biệt thự luôn phải đi kèm với BDT được xây sẵn. Rất nhiều khu biệt thự dọc sông có sẵn BDT đáp ứng nhu cầu của người mua nhà.

Theo Sở GTVT TP.HCM, chỉ riêng trong năm 2020, số lượng phương tiện thủy nội địa đăng ký mới phát sinh là 267, trong đó có 22 du thuyền, 28 canô (sức chở dưới 12 người).

Hiện tổng số du thuyền của hộ gia đình, cá nhân được đăng ký đang hoạt động trên địa bàn TP là 50. Tổng số canô (có sức chở dưới 12 người) của hộ gia đình, cá nhân (chưa tính của cơ quan, đơn vị) được đăng ký đang hoạt động là 390.

“Tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm phát sinh thực tế nhu cầu về sử dụng vùng nước ven bờ trên đường thủy nội địa để neo đậu phương tiện cho tổ chức, cá nhân (không kinh doanh), phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Nhu cầu này trong thời gian tới là rất lớn” - đại diện Sở GTVT TP cho biết.

Lưu ý hạ tầng kèm theo bến

“Theo các hiệp hội BĐS thì những dự án sát bờ sông thường được định giá cao hơn, tăng giá nhanh hơn. Việc sở hữu căn hộ có sẵn BDT là niềm mơ ước của nhiều khách hàng” - ông Trần Thanh Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Máy và thiết bị công nghiệp quốc tế - IMAE, một đơn vị sản xuất du thuyền cá nhân, cho biết.

Theo ông Dũng, hiện các đơn vị sản xuất, nhập khẩu du thuyền cũng đang mở ra các kênh giới thiệu sản phẩm, mời khách hàng trải nghiệm và bán du thuyền thông qua các dự án BĐS dọc bờ sông. Tuy nhiên, có bốn vấn đề khó khăn hiện tại cần các cơ quan chức năng tháo gỡ.

Thứ nhất là bến đậu, hiện các bến đậu du thuyền thường là các bến tự phát hoặc bến cấp tạm. Thứ hai là chi phí neo đậu cao. Thứ ba là số lượng bến neo đậu ít, chưa kết nối được với đường bộ. Thứ tư là cơ sở hạ tầng dịch vụ kèm theo như nơi cung cấp nhiên liệu xăng dầu, thực phẩm… cho du thuyền gần như không có.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP), một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cũng cho rằng các dự án ven sông Sài Gòn hoặc Đồng Nai có lợi thế để tạo ra tiện ích về du thuyền, đồng thời góp phần gia tăng giá trị BĐS cho các khách hàng đang sở hữu nhà ở khu vực này.

“Bên cạnh là nơi neo đậu những du thuyền cao cấp dành riêng cho cá nhân thì có thể kết hợp làm dịch vụ cho những nhóm khách có nhu cầu vui chơi, giải trí và thưởng thức ẩm thực trên sông nước thơ mộng” - ông Việt nói.

Ông Việt góp ý thêm là cần mở rộng đối tượng neo đậu, ngoài du thuyền cao cấp nên có nhiều chỗ cho loại du thuyền trung cấp, canô… thì chắc chắn những BDT này sẽ được người dân đón nhận, sử dụng như phương tiện đi lại hằng ngày và thư giãn mỗi dịp cuối tuần.•

Các bến du thuyền này có thể xếp vào trường hợp neo đậu phương tiện thủy phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường thủy (không mục đích kinh doanh) để phục vụ cho chính tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nội bộ khu vực có vùng đất trên bờ tiếp giáp sông, không có hạng mục nhà chờ, dịch vụ trên bờ. Sở GTVT TP.HCM cho rằng loại hình này hiện nay không thuộc phạm vi điều chỉnh (như bến thủy nội địa) theo quy định Thông tư 50 năm 2014 của Bộ GTVT. Thông tư 50 quy định việc xây dựng bến cảng, thủy nội địa phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. 
Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT trước mắt chấp thuận sử dụng vùng nước tiếp giáp bờ sông để lắp đặt phao nổi, liên kết với bờ bằng cầu dẫn đi bộ để neo đậu các phương tiện thủy nội địa của người dân. Về lâu dài, sở đề nghị bộ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chí kỹ thuật, thủ tục... để quản lý hoạt động đối với loại hình này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm