Theo khoản 1 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với các loại vụ án theo thủ tục thông thường là bốn tháng đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; hai tháng đối với vụ án lao động, kinh doanh, thương mại kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá hai tháng đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; không quá một tháng đối với vụ án lao động, kinh doanh, thương mại. Tương tự, theo khoản 1 Điều 286 BLTTDS 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, có thể gia hạn không quá một tháng.
Người dân được kiểm tra thân nhiệt phòng dịch COVID-19 trước khi vào TAND TP.HCM hồi trước đợt dịch lần thứ tư. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Đưa lý do “thiên tai, dịch bệnh” vào căn cứ tạm đình chỉ
Vừa qua, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, TAND Tối cao đã ban hành Công văn 125 ngày 11-5-2021. Theo đó, các tòa án tại đơn vị hành chính áp dụng Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng phải tạm dừng xét xử, trừ các trường hợp cấp bách phải thực hiện theo yêu cầu của pháp luật. Khi đó, dù các vụ án đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả gia hạn) thì tòa án cũng không được phép mở phiên tòa.
Điều này dẫn đến khả năng khi tòa án được phép mở lại phiên tòa thì vụ án đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định (kể cả gia hạn). Vậy khoảng thời gian tòa tạm dừng xét xử có được cấn trừ vào thời hạn chuẩn bị xét xử, để không bị coi là vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định của BLTTDS hay không?
Thậm chí, đối với các tòa án tại đơn vị hành chính áp dụng Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng, việc mở phiên tòa có thể diễn ra nếu vụ án đã hết hoặc sắp hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả gia hạn). Tuy nhiên, để mở phiên tòa, tòa án phải tiến hành nhiều hoạt động tố tụng, mà quan trọng nhất là xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ các tình tiết khách quan trong vụ án.
Trong khi đó, theo Công văn 125 ngày 11-5-2021 của TAND Tối cao thì việc thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ ở các tòa án tại nơi áp dụng Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 15 gần như là không thể thực hiện. Chính vì vậy, việc bắt buộc phải mở phiên tòa trong trường hợp này có khả năng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án dân sự do tòa án không có đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết, nhưng nếu không xét xử thì sẽ vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử.
Từ những lý do này, theo tôi cần bổ sung “lý do thiên tai, dịch bệnh” vào căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án tại Điều 214 BLTTDS 2015.
Góp ý cụ thể một nội dung cần bổ sung Cần bổ sung theo hướng cho phép tòa được tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp bất khả kháng khác do thiên tai, dịch bệnh khiến tòa không thể giải quyết vụ án trong hạn luật định (kể cả thời gian gia hạn). Mặt khác, đối với các trường hợp vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử vì lý do dịch bệnh trong thời gian chưa có quy định mới bổ sung, cần xem đây không phải là việc vi phạm thủ tục tố tụng để đảm bảo quyền lợi cho thẩm phán và những người tiến hành tố tụng có liên quan. |
Hướng dẫn thế nào là “có lý do chính đáng”
Theo khoản 4 Điều 96 BLTTDS 2015, thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự. Đây là sự thay đổi quan trọng và cần thiết của BLTTDS, đảm bảo cho tòa sơ thẩm có đầy đủ chứng cứ để giải quyết toàn diện, chính xác, tránh trường hợp tòa phúc thẩm hủy hoặc sửa án vì thiếu chứng cứ.
Cũng theo quy định này, đương sự vẫn có thể giao nộp tài liệu, chứng cứ sau khi hết thời hạn nếu có lý do chính đáng. Tuy nhiên, hiện không có hướng dẫn như thế nào là “có lý do chính đáng” dẫn đến việc các tòa tùy nghi hiểu và có cách giải thích, áp dụng không thống nhất. Do đó, theo tôi cần có hướng dẫn cụ thể cho quy định này.
Cạnh đó, khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 quy định khi giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án, đương sự có nghĩa vụ sao gửi cho các đương sự khác. Đây cũng là một bước tiến để thực hiện nguyên tắc công khai chứng cứ.
Tuy nhiên, BLTTDS 2015 lại không quy định chế tài xử lý trong trường hợp đương sự không thực hiện nghĩa vụ này. Điều này dẫn đến việc các tòa án vẫn phải thực hiện thay cho đương sự trong các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Do đó, cần bổ sung chế tài xử lý nếu vi phạm nghĩa vụ tại khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015 theo hướng nếu đương sự không thực hiện, tòa án có thể không sử dụng chứng cứ mà các đương sự cung cấp hoặc các đương sự phải chịu các khoản phí liên quan đến việc tòa án phải sao gửi tài liệu, chứng cứ cho các đương sự khác.
Thế nào là tranh chấp bất động sản? Về thẩm quyền của tòa án, nếu đối tượng tranh chấp là bất động sản, thẩm quyền theo lãnh thổ chỉ thuộc về tòa án nơi có bất động sản (điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015). Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn thế nào là đối tượng tranh chấp là bất động sản. Điều này dẫn đến việc tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định đối tượng tranh chấp là bất động sản, đặc biệt là tranh chấp đối với các hợp đồng liên quan đến bất động sản như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, mua bán, cho thuê bất động sản… Do đó, theo tôi cần có hướng dẫn cụ thể thế nào là đối tượng tranh chấp là bất động sản. Có thể hướng dẫn theo nguyên tắc đảm bảo tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ phải là tòa án phù hợp nhất để giải quyết vụ án một cách thuận lợi, nhanh chóng và chính xác. |