Bản Việt cho biết sau Quyết định 419 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 16-3-2020 được ban hành về việc giảm mức trần lãi suất huy động cho các kỳ hạn dưới 6 tháng thì vào đầu tháng 4, các ngân hàng quốc doanh giảm lãi suất huy động với các kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng từ khoảng 4,75% xuống còn khoảng 4,7%.
Trong bối cảnh tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng chiếm 69,1% khoản huy động vốn của các ngân hàng này, biến động lãi suất trong các kỳ hạn này sẽ có tác động quan trọng đến NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng.
Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng không ngoại lệ. Chẳng hạn, MBB đã giảm lãi suất huy động của vài kỳ hạn trên 6 tháng 0,1%-0,4%, VPB cũng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng khoảng 0,2%-0,5% và ACB giảm lãi suất huy động khoảng 0,2%-0,45%.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI cho biết tăng trưởng tín dụng chậm được ghi nhận tại 3 ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV) cũng như các ngân hàng thương mại như MBBank và ACB. Điều này có thể xuất phát từ việc những ngân hàng này thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.
Trong khi đó, VPBank, HDBank và TPBank đã phá bỏ khuôn mẫu và bùng nổ với tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao: Khoảng 4,8% tính đến hết tháng 2-2020 đối với VPBank, 5% tính đến hết tháng 2-2020 đối với HDBank và 9% tính đến hết tháng 3-2020 đối với TPBank.
"Chúng tôi nhận thấy rằng VPBank và TPBank đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Đối với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao là nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp, đã được ký trước đó vào cuối năm 2019" - nhóm phân tích của SSI nhận định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến thời điểm 20-3-2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%). Đáng chú ý, tín dụng của nền kinh tế chỉ tăng 0,68% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,9%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.